MÔ HÌNH CƠ GIỚI HÓA ĐỒNG BỘ HUYỆN THIỆU HÓA

Đăng ngày 22 - 04 - 2013
100%

 Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Thiệu Hóa nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, năng suất, sản lượng cây trồng, chất lượng nông sản ngày càng tăng, bước đầu đã hình thành được vùng chuyên canh lúa, hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao. Làm nên những thành công ấy, ngoài việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật như: đưa giống mới có tiềm năng, năng suất cao, áp dụng các tiến bộ thâm canh mới vào sản xuất, phải kể đến việc đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong các khâu của sản xuất nông nghiệp.

 

          Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa hiện nay, nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lao động thời vụ, tăng năng suất, sản lượng cây trồng và nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững cần thiết phải thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Thiệu Hóa chọn 7 xã trên địa bàn huyện làm điểm đưa mô hình cơ giới hóa đồng bộ vào triển khai thực hiện. Gồm các xã: Thiệu Trung, Thiệu Đô, Thiệu Tâm, Thiệu Tiến, Thiệu Công, Thiệu Phú và Thiệu Hợp. Vụ Chiêm Xuân 2013 các xã điểm đã đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất bước đầu đã và đang làm chủ được các phương tiện cơ giới hiện đại.

Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí sản xuất như: thay thế được lao động thủ công, đảm bảo chất lượng giống lúa, chất lượng cây mạ, đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển cho cây lúa, hạn chế phải sử dụng thuốc BVTV, nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch…nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Có máy cày, máy lồng làm đất, máy cấy, mạ khay và đến lúc thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp phục vụ tận nơi nên việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động cho người nông dân mà lực lượng cơ giới hóa còn đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Sử dụng máy cày, máy lồng sẽ nâng cao chất lượng làm đất, làm cho đất bằng phẳng, tạo tầng đế cày sâu hơn, tăng khả năng giữ nước, giữ phân bón của đất, xử lý tàn dư sâu bệnh, cỏ dại, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Sử dụng máy cấy chủ động được thời vụ, cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất, mật độ cấy hợp lý tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe tập trung, số dảnh hữu hiệu cao, tăng khả năng quang hợp của quần thể ruộng lúa, giảm sâu bệnh và lượng thuốc BVTV góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo môi trường sinh thái bền vững. Sử dụng máy gặt đập liên hợp giảm căng thẳng về thời vụ, thu hoạch nhanh chóng diện tích lúa vụ Chiêm xuân, vụ Mùa, tạo quỹ đất cho xản xuất vụ Đông. Thời gian kết thúc vụ Mùa sớm sẽ kích thích người dân bước vào sản xuất vụ Đông khí thế, không để diện tích đất trống.

            Chương trình cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp trên địa bàn huyện vụ Chiêm xuân 3013 triển khai hỗ trợ kinh phí mua máy cấy, khay làm mạ và kinh phí mua lúa giống đã được sự quan tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân trong các xã điểm. Kết quả triển khai đã mua 14 máy cấy và tổ chức sản xuất được 21.000 khay mạ phục vụ cấy cho 105 ha diện tích lúa trên địa bàn 7 xã, trong đó có 48 ha ở 7 mô hình tập trung. Dù chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế nhưng bước đầu số lượng máy móc này đã góp phần rất tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo lịch thời vụ, nâng cao năng suất cây trồng tại các địa phương, đồng thời giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nhà nông. Đến nay, diện tích lúa được áp dụng chương trình cơ giới hóa đồng bộ phát triển vượt trội so với diện tích lúa cấy tay theo phong tục tập quán của nông dân, hứa hẹn một vụ Chiêm xuân thắng lợi.

Có thể nói đưa mô hình cơ giới hóa đồng bộ vào phát triển sản xuất lúa trên địa bàn huyện có tính khả thi cao, việc tổ chức thực hiện hợp lý, đầu tư trọng tâm, trọng điểm đã mang lại lợi ích to lớn, làm thay đổi phương thức sản xuất, tạo điều kiện để huyện thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất lúa gạo tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp sạch và bền vững./.

<

Tin mới nhất

Thiệu Phú dồn sức về đích nông thôn mới nâng cao(18/11/2022 10:48 SA)

Ban Kinh tế - Xã hội, Hội đồng nhân dân huyện Thiệu Hóa kiểm tra, giám sát về tình hình phát...(08/06/2022 10:19 SA)

Thôn 7, xã Thiệu Viên tạo nên sức trẻ trên con đường thanh niên mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trổi(06/06/2022 8:31 SA)

Thôn Minh Đức (xã Thiệu Long) – Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu(14/04/2022 11:16 SA)

Xã Minh Tâm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới(12/04/2022 11:28 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
291 người đã bình chọn
°
661 người đang online