Giới thiệu chung

100%

Mảnh đất Thiệu Hoá là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi sinh dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt và các bậc khai quốc công thần được lưu danh, nơi có truyền thống văn hoá đặc sắc, truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường. Những tinh hoa, những truyền thống vẻ vang đó được nhân dân Thiệu Hoá phát huy cao độ trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc, xây dựng quê hương giàu đẹp

I-Tổng quan

1.1 Điều kiện tự nhiên
1.1.1. Vị trí địa lý
-Thiệu Hóa là huyện có một vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm các huyện đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa và có ranh giới giáp với nhiều huyện:
                 Phía Đông: giáp Thành phố Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa.
                 Phía Tây: giáp huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân.
                 Phía Nam: Giáp huyện Đông Sơn và Triệu Sơn.
                 Phía Bắc: giáp huyện Yên Định.
-Trung tâm huyện là Thị trấn Vạn Hà.
1.1.2. Địa hình
Thiệu Hóa có địa hình tương đối bằng phẳng, không quá phức tạp, đại đa số các xã đều là đồng bằng, ít hoặc không có đồi núi. Tổng thể địa hình nghiêng dần từ Bắc xuống Nam. Địa hình thuộc dạng đồng bằng do chênh lệch cao của các vùng canh tác không lớn khoảng 0,4-0,5m, thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung có diện tích tương đối lớn.
1.1.3. Khí hậu
- Nhiệt độ: Tổng nhiệt độ trung bình năm từ 8.500-8.6000C. Nhiệt độ thấp tuyệt đối chưa dưới 20C. Nhiệt độ cao tuyệt đối chưa quá 41,50C. có 4 tháng nhiệt độ trung bình dưới 200C (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) và có 5 tháng nhiệt độ trung bình trên 250C (từ tháng 5 đến tháng 9).
- Mưa: Lượng mưa trung bình năm từ 1.500-1.900mm, riêng vụ mùa chiếm khoảng 86-88%, mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5-10). Những tháng mùa đông nhiệt độ thường khô hanh, độ ẩm chỉ dưới 84%, còn các tháng 3, 4, tháng 8 và tháng 9 có độ ẩm trên 88%.
- Gió: Chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính phân bố theo mùa. Gió mùa đông bắc về mùa đông và gió mùa đông nam về mùa hè có tốc độ trung bình 1,5-18m/s. Tốc độ mạnh nhất trong bão đo được là 35-40m/s và trong gió mùa đông bắc không quá 25m/s. Khí hậu thời tiết của huyện trong tiểu vùng khí hậu đồng bằng Thanh Hóa có các đặc điểm: Nền nhiệt độ cao, mùa đông không lạnh lắm, sương muối ít xảy ra vào tháng 1, tháng 2, mùa hè nóng vừa phải, mưa vừa phải, gió bão chịu ảnh hưởng tương đối mạnh.
1.2. Tài nguyên
1.2.1. Tài nguyên đất
Tổng quỹ đất toàn huyện quản lý sử dụng là 17.547,52 ha, trong đó đã sử dụng 14.842,83 ha bằng 84,6% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Diện tích đất chưa sử dụng là 2.704,69 ha, bằng 15,4% tổng diện tích đất tự nhiên. Diện tích sông suối chiếm 1.702.87 ha bằng 10% diện tích đất tự nhiên.
-          Đất nông nghiệp: 11.045,06 ha chiếm 62,94% tổng diện tích đất tự nhiên.
-          Đất lâm nghiệp: 130,70 ha chiếm 0,75% diện tích đất tự nhiên.
-          Đất chuyên dùng 2.644,28 ha chiếm 15,4 % diện tích đất tự nhiên.
-          Đất ở: 968,73 ha chiếm 5,6% diện tích đất tự nhiên.
-          Đất chưa sử dụng: 2.704,69 ha chiếm 15,4% diện tích đất tự nhiên.
Diện tích đất tự nhiên của huyện được phân ra gồm các loại đất sau:
- Nhóm đất sám: 52,84 ha
- Nhóm đất phù sa biến đổi 14.068 ha.
 - Nhóm đất tầng máng 119 ha.
Tóm lại đất đai của huyện Thiệu Hóa chủ yếu là nhóm đất phù sa có đặc tính lý hóa tốt, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng.
1.2.2 Tài nguyên nước
- Nước mặt khá dồi dào được cung cấp bởi hệ thống sông ngòi và lượng nước mưa tại chỗ. Loại nước này chủ yếu dùng cho việc tưới cho cây trồng nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày, Chất lượng nước mặt của huyện Thiệu Hóa là tốt, chưa bị ô nhiễm.
- Nước ngầm: Nguồn nước ngầm khá phong phú. Theo tài liệu dự báo và phục vụ khí tượng thủy văn, đất Thiệu Hóa thuộc trầm tích hệ thứ 4 có bề dầy trung bình 60m, có nơi 100m, có 3 lớp nước có áp chưa trong cuộn sỏi của trầm tích Plextoxen rất phong phú. Lưu lượng hố khoan tới 22-23 l/s, có độ khoáng hóa 1-2,2 g/l. Hiện nay nhân dân đang sinh hoạt chủ yếu qua hệ thống giếng khơi, giếng khoan. Chất lượng nước nhìn trung không đồng đều về hàm lượng cacbonnát cao nhưng độ trong đáp ứng được yêu cầu vệ sinh.
1.2.3. Tài nguyên khoáng sản
- Do chưa có điều kiện thăm dò, khảo sát nên chưa phát hiện đầy đủ các loại khoáng sản tiềm năng trong lòng đất. Các mỏ đá có thể khai thác làm vật liệu xây dựng được phân bố rải rác ở một số xã như Thiệu Dương, Thiệu Vũ, Thiệu Tiến, Thiệu Thành nhưng trữ lượng nhỏ. Các sông Chu trữ lượng khoảng 500.000 tấn. Đây là bải cát có chất lượng tốt trong xây dựng, đặc biệt là cát vàng dùng để đổ bêtông. Sét làm gạch có trữ lượng lớn phân bố ở nhiều xã trong huyện.
1.3 Nguồn nhân lực
1.3.1 Dân số
Tổng số nhân khẩu năm 2004: 193.454 người tốc độ tăng dân số tự nhiên là 0,64% (năm 1997 là 1,23%). Dân số nông thôn chiếm 96,4%, thành thị chiếm 3,6%; sự phân bố dân cư khá đều đặn trên toàn huyện nằm dọc theo 2 bờ tả và hữu sông Chu, hình thành 6 cụm kinh tế thuận tiện cho việc chỉ đạo của huyện.
1.3.2 Nguồn nhân lực
Tổng số lao động năm 2004 là 97.083 người chiếm 49,64% dân số toàn huyện, trong đó:
-          Lao động nông-lâm-ngư nghiệp: 70.868 người chiếm 72,9%
-          Lao động công nghiệp và xây dựng 13.500 người chiếm 13,9%.
-          Lao động khối dịch vụ 7.630 người chiếm 7,8%.
-          Lao động khác 5.085 người chiếm 5,4%.
1.4. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật
1.4.1. kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Mạng lưới giao thông đường bộ của huyện được xây dựng và hình thành tương đối hợp lý, 100% số xã có đường ô tô tới trung tâm xã. Toàn huyện đã xây dựng được 70km đường nhựa và bê tông, hàng 100km đường giao thông nông thôn đã được giãi cấp phối. Hệ thống đường liên xã liên thôn được xây dựng khá hoàn thiện, hình thành mạng lưới khép kín trong toàn huyện. Đường sông bao gồm có Sông Mã, Sông Chu, Sông Cầu Chày thuận tiện cho việc giao lưu với các vùng trong tỉnh.
Tuy nhiên hệ thống giao thông vận tải của huyện vẫn còn một số bất cập như: Việc bảo dưỡng và tu sửa hàng năm các tuyến giao thông liên xã, liên huyện con có nhiều khó khăn; mùa mưa lụt hệ thống giao thông đường thủy gây nhiều khó khăn trong việc đi lại của nhân dân.
1.4.2 Hệ thống điện
Hệ thống điện của huyện thuộc đường dây 35kv lộ 371 và một phần trên đường dây 35kv lộ 372 trạm 110kv Núi Một. Các đường dây 10kv sau trung gian Thiệu Hưng cấp điện riêng cho huyện Thiệu Hóa. Ngoài ra còn sử dụng điện từ trạm trung gian Quán Lào 35/10 KV qua đường dây 971 và sau trạm 110 Núi Một qua đường dây 10kv 971 và 975.
Điện năng tiêu thụ năm 1996 của huyện là 10.431.176 Kwh/ năm, bình quân đầu người trung bình đạt 52 kwh/người/năm. Năm 2004 tổng số điện năng tiêu thụ là 23.419.768 kwh/năm, bình quân đầu người đạt 121 kwh/người/năm tăng gấp 2,3 lần so với năm 1996.
Có thể thấy phương thức cấp điện như hiện nay của toàn huyện là quá phức tạp và không thống nhất quản lý.
1.4.3. Bưu chính viễn thông
Hệ thống phục vụ bưu chính, thư từ và các dịch vụ bưu điện phát triển đến tận các xã tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc của nhân dân. 100% số xã đã có máy điện thoại, số xã có nhà bưu điện và nhà văn hóa là 29 xã, bình quân cứ 100 người dân có 1,16 máy điện thoại. Tại Thị trấn có bưu cục, các dịch vụ điện thoại thuê bao cố định cũng phát triển, tạo điều kiện thông tin liên lạc trong và ngoài nước dễ dàng, số hộ được xem truyền hình là 93,4%.
1.4.4 Hệ thống cấp nước
Các công trình trọng điểm của huyện đã được đầu tư xây dựng nâng cấp và cải tạo, xây dựng 2 trạm bơm tiêu Thiệu Thinh, Thiệu Châu - Thiệu Duy. Đầu tư kiên cố hóa kênh mương, cứng hóa gần 300km kênh mương đưa tổng số lên 340 km kênh mương được cứng hóa bằng 65% tổng số.
Nhà máy nước sạch Thị trấn Vạn Hà đã đưa vào khai thác sử dụng năm 2003 công suất 760 m3/ngày trong những năm tới cũng cố, cải tạo đưa công suất lên 1.500 m3/ngày. Hiện đang khởi công xây dựng nhà máy nước sạch xã Thiệu Trung. Hệ thống thoát nước ở huyện lỵ đã hoàn thành tuyến thoát nước dọc theo quốc lộ 45.
II. Cơ cấu bộ máy tổ chức
2.1. Sơ đồ bộ máy của đơn vị
         - Chủ tịch
         - 03 Phó Chủ tịch
         - Phòng Nội vụ
         - Thanh tra
         - Tư pháp
         - Bộ phận 1 cửa liên thông
         - 01 Phó Chủ tịch phụ trách VH – XH        
                         + LĐTB – XH
                         + GD&ĐT
                         + Văn hóa – Thể thao
                         + Phòng Y tế
                         + Đài Truyền thanh
                         + TTVHTT – TDTT
                         + TT Dân số Kế hoạch hóa gia đình
                         + TT Y tế huyện
         - 01 Phó Chủ tịch phụ trách NN&PTNT
                         + Phòng NN&PTNT
                         + Phòng Công thương
                         + Trạm khuyến nông
                         + VP HĐND&UBND
                         + Thống kê
         - 01 Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính
                         + Tài chính – Kế hoạch
                         + Tài nguyên – Môi trường
2.2.Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc.
2.2.1. Phòng Nội vụ
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực tổ chức; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng.
2.2.2. Phòng Tư pháp
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; chứng thực; hộ tịch; trợ giúp pháp lý; hoà giải ở cơ sở và các công tác tư pháp khác.
2.2.3. Phòng Tài chính - Kế hoạch
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tài chính, tài sản; kế hoạch và đầu tư; đăng ký kinh doanh; tổng hợp, thống nhất quản lý về kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân.
2.2.4. Phòng Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tài nguyên đất; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng, thuỷ văn; đo đạc, bản đồ và biển (đối với những địa phương có biển).
2.2.5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: lao động; việc làm; dạy nghề; tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới.
2.2.6. Phòng Văn hóa và Thông tin
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; bưu chính, viễn thông và Internet; công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin; phát thanh; báo chí; xuất bản.
2.2.7. Phòng Giáo dục và Đào tạo
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm: mục tiêu, chương trình và nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
2.2.8. Phòng Y tế
Tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, gồm: y tế cơ sở; y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người; mỹ phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; trang thiết bị y tế; dân số.
2.2.9. Thanh tra huyện
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
2.2.10. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân
Tham mưu tổng hợp cho Uỷ ban nhân dân về hoạt động của Uỷ ban nhân dân; tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện về công tác dân tộc; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
 
III. Thắng cảnh và du lịch
Thiệu hóa là huyện có truyền thống cách mạng yêu nước, đồng thời là huyện có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng.
- Cấp quốc gia có 7 di tích được xếp hạng là: Di chỉ khảo cổ Thiệu Dương, đền thờ Dương Đình Nghệ (Thiệu Dương), đền thờ Lê Văn Hưu (Thiệu Trung), đền thờ Nguyễn Quán Nho (TT Vạn Hà), đền thờ Đinh Lễ (TT Vạn Hà) và cụm di tích cách mạng xã Thiệu Toán.
- Cấp tỉnh có 10 di tích được xếp hạng: Đình làng Tân Bình (Thiệu Ngọc), Đền thờ họ Vương (Thiệu Tiến), Đền thờ Ngũ Vị Đại Hương (Thiệu Giao), Đình và Đền thờ Trần Lựu (Thiệu Quang ), Đình làng Dắc Châu (Thiệu Châu), Chùa Vồm (Thiệu Khánh), Đình làng Ngô Xá Hạ(Thiệu Minh), Đình Bái Giao (Thiệu Giao), Đình Nghè Yên Lộ (Thiệu Vũ), Đình Lam Vũ (Thiệu Vũ), Đình và Đền làng Hiền Lâm, Nhà thờ Nguyễn Hữu, Chùa Báo Ân (Thiệu Vân), Văn từ làng Đoán Quyết Hạ (Thiệu Phúc), Nhà thờ Nguyễn Mộng Tuân (Thiệu trung).
Đặc biệt Thiệu Hóa còn có di tích Núi Đọ Thiệu Khánh và Thiệu Tân - Nơi phát hiện xưa nhất của người nguyên thủy trên đất Việt Nam có nhiều công cụ bằng đá.
IV. Tình hình phát triển Kinh tế - Xã hội.  
Năm 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế: 11,2%, sản lượng lương thực cả năm đạt 128.050 tấn, giá trị thu nhập trên một hecta canh tác đạt 44 triệu đồng, Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN trên địa bàn quy theo giá trị thực tế ước đạt 248 tỷ 855 triệu đồng, giá trị hàng hoá dịch vụ đạt 278 tỷ 303 triệu đồng, thu ngân sách tăng 42% so với kế hoạch tỉnh giao. Tổng mức đầu tư xây dựng trên địa bàn tăng 83,5% so với cùng kỳ.
Các hoạt động về văn hoá xã hội có bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với các năm trước. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp, không để dịch bệnh bùng phát sau dịch tai xanh
Tình hình an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trờn địa bàn ổn định, tệ nạn xã hội, hoạt động tội phạm tiếp tục được kiềm chế đảm bảo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Công tác điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đã được đẩy mạnh.
V. Tiềm năng và cơ hội đầu tư
5.1. Chính sách để thu hút đầu tư.
5.2.Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư.
VI. Mục tiêu và các định hướng phát triển kinh tế – xã hội
6.1. Mục tiêu
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế 12% trở lên. Tỷ trọng các ngành kinh tế: Nông nghiệp: 43%; Công nghiệp – Xây dựng: 24%; Dịch vụ - Thương mại: 33%
- Tổng sản lượng lương thực: 125.000 tấn trở lên. Giá trị thu nhập trên một hecta canh tác đạt 47 triệu đồng.
- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 3% so với kế hoạch Tỉnh giao, (Trừ tiền cấp quyền sử dụng đất).
- GDP bình quân đầu người đạt 8.500.000 đồng trở lên.
- Tổng mức đầu tư xây dựng & phát triển trên địa bàn: 300 tỷ đồng
- Giải quyết việc làm mới: 3000 người.
- Xuất khẩu lao động: 300 người trở lên. Tỷ lệ lao động được đào tạo: 27%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 – 2%
- Duy trì tỷ lệ tăng dân số: 0,6%
- Hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới: 17,5%
- Khai trương xây dựng 15 đơn vị văn hoá.
Tỷ lệ gia đình văn hoá: 80%
Xét đề nghị công nhận 20 đơn vị đạt danh hiệu văn hoá.
- Có thêm 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
- Phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế.
- Làm mới 13 nhà văn hoá thôn để đạt 100% thôn có nhà văn hoá.
6.2. Nhiệm vụ
Đẩy mạnh thâm canh, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng mùa vụ, nâng cao năng suất chất lượng và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích giữ vững tổng sản lượng lương thực, tích cực tham gia chương trình trồng lúa cao sản của Tỉnh , đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đảm bảo tỷ trọng trong cơ cấu nền kinh tế, nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn, sinh học, tạo chuyển biến mới trong công tác phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm, chủ động trong phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Thực hiện tốt phương án và kế hoạch phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề truyền thống phát triển, xây dựng và quản lý các cụm công nghiệp, dịch vụ thương mại và kêu gọi đầu tư và thu hút các dự án đầu tư. Quan tâm tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Củng cố kinh tế hợp tác xã theo hướng đẩy mạnh kinh doanh, dịch vụ.
Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện cuộc vận động: “Hai không” với 4 nội dung, thực hiện tốt chủ đề năm học 2008 - 2009: “Ứng dụng Công nghệ thông tin và đổi mới công tác quản lý Tài chính; thực hiện trường học thân thiện, xanh - sạch - đẹp”, làm chuyển biến hoạt động khuyến học, khuyến tài và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng.
Củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao trách nhiệm, thái độ trong công tác khám chữa bệnh; thực hiện tốt chương trình xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; trường học đạt chuẩn quốc gia chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tăng cường lãnh đạo công tác dân số - gia đình - trẻ em; chú trọng công tác truyền thông lồng ghộp với dịch vụ KHHGĐ; thực hiện mục tiêu giữ mức sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. Làm tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em.
6.3. Giải pháp
Tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư xây dựng các công trình phòng chống lụt bão; chương trình dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ; công trình giao thông và các công trình từ nguồn kinh phí khác. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng công trình, quyết toán vốn đầu tư các công trình hoàn thành và công tác giải phóng mặt bằng, khởi công các công trình đã có chủ trương xây dựng. Có giải pháp hợp lý nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và làm tốt công tác quản lý qui hoạch, chuẩn bị các dự án đầu tư cho năm 2010 và những năm tiếp theo .
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, coi trọng xây dựng văn hoá cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, khuyến khích phát triển thể thao theo hướng xã hội hoá.

Tăng cường kiểm tra, quản lý, hướng dẫn việc xử dụng nguồn vốn vay giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; quan tâm chỉ đạo quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động.

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
289 người đã bình chọn
°
233 người đang online