Thu ngoại tệ từ… cót

Xã Thiệu Dương (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) nổi tiếng với nghề đan cót. Từ những cây nứa, cây vầu qua bàn tay điêu luyện đã trở thành những lá cót bền đẹp có mặt ở khắp thị trường trong nước và thế giới.

 

Anh Dương Khắc Dũng - chủ cơ sở sản xuất cót lớn đang say sưa chẻ nan.

Thiệu Dương có hơn 2.300 hộ dân thì tới 1.350 hộ làm nghề đan cót, trung bình mỗi gia đình có từ 2-3 lao động làm nghề này. Nhờ nghề làm cót, từ một xã thiếu đói thường xuyên, nay thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã xây nhà cao tầng; đường làng ngõ xóm được bê tông hóa.

Nguyên liệu chính để đan cót là nứa, vầu mua từ Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Người dân trong xã nhận hàng về làm rồi nhập hàng cho chủ cót. Cót Thiệu Dương không chỉ có mặt khắp các vùng, miền trong cả nước mà những năm gây đây đã vươn ra thị trường thế giới như Thái Lan, Lào, Canada… Quy mô sản xuất không ngừng được mở rộng.

Anh Dương Khắc Dũng ở thôn 3, một trong những cơ sở sản xuất cót lớn nhất xã, anh Dũng tâm sự: “Gia đình anh đã có 4 đời theo nghề làm cót. Mỗi năm cơ sở của gia đình tôi tiêu thụ hơn 2 vạn lá cót, thu nhập hơn 200 triệu đồng”.

Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa làng nghề cót Thiệu Dương đã gặp không ít những khó khăn. Anh Dũng cho biết: “Sản xuất cót tuy đơn giản, tận dụng được thời gian nông nhàn của người dân, nhưng mặt hàng cót không được ưa chuộng trên thị trường do chất lượng thấp. Nghề cót là nghề truyền thống nhưng cần rất nhiều vốn, máy móc thiết bị hiện đại. Hầu hết các cơ sở sản xuất cót ép ở Thiệu Dương hiện đang gặp khó khăn về vốn đầu tư.

Theo anh Dũng, để nghề cót Thiệu Dương phát triển vững rất cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc quy hoạch tập trung nơi sản xuất, có chính sách ưu đãi về nguồn vốn cho các cơ sở sản xuất lớn, là đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tạo điều kiện để các hộ gia đình tìm kiếm được mặt bằng làm nơi sản xuất.

Hoàng Văn – Hoàng Hoa

Theo báo Dân Việt