THIỆU LONG ĐIỂM DU LỊCH TRONG TƯƠNG LAI

Đăng ngày 11 - 10 - 2022
100%

          Là một xã thuần nông của huyện Thiệu Hóa, Thiệu Long hiện có 6 thôn, mỗi thôn có những giá trị văn hóa, lịch sử riêng, trong đó phải kể đến thôn Tiên Nông – nơi có ngọn núi Tiên Nông (núi Nuông) chứa đựng nhiều điều huyền bí mà đến bây giờ chưa có ai lý giải được.

          Nằm tách biệt so với các thôn còn lại, thôn Tiên Nông hiện lên với một bức tranh sơn thủy hữu tình, từ thủa sinh cơ lập nghiệp, người dân nơi đây lấy núi Tiên Nông làm điểm tựa để xây cất nhà cửa. Không biết có từ khi nào ,những câu chuyện kỳ thú, hấp dẫn xung quanh ngọn núi này vẫn lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Núi Tiên Nông không cao lắm, cách đây vài trục năm, có nhiều gia đình may mắn tìm được di chỉ của người Việt cổ có niên đại trên 3 vạn năm, với nhiều đồ vật quý như tiền xu, đồ đồng cổ, vàng.… khi đào ao, trồng cây, cày đất. Ngoài những câu chuyện được nhân cách hóa về “kho báu”, quanh núi Tiên Nông còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí, trong đó không thể không nhắc đến bàn cờ tiên trên đỉnh núi Nuông.

Trên Núi Tiên nông

          Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi có một bàn cờ tiên, cứ đến trăng rằm có 2 cô Tiên thường xuyên bay xuống chơi cờ, có một ngày, họ đang say sưa chơi cờ, bất ngờ bị phát hiện, thế rồi hai nàng Tiên biến mất, hòn đá có bàn cờ cô Tiên hay đánh tự dưng nứt đôi, chia thành hai tảng đá lớn. “Bàn cờ trên phiến đá không biết có từ khi nào, có một đường kẻ chéo trên mặt đá lớn, đến nay mặc dù vẫn còn nhưng đã mờ. Xưa kia cây cối mọc um tùm, rậm rạm  khu vực núi Tiên Nông còn thường hay xuất hiện trăn, rắn với kích thước lớn.

          Tuy không có bằng chứng xác thực về sự tồn tại bàn cờ tiên, ổ trăn lớn… nhưng có một điều rất nhiều người họ tận mắt chứng kiến hoặc sở hữu rất nhiều đồ vật có giá trị tại núi Tiên Nông. Nhiều bậc cao niên sống gần khu vực núi Nuông xác nhận sự việc trên là đúng.

          Còn theo “Địa chí huyện Thiệu Hóa”, xưa kia từ thửa khai thiên lập địa, có ông thần nông khai phá vùng đất Thiệu Thọ, dân gian hay gọi là Tiên Nông. Ông Tiên Nông trú chân ở núi Nuông (Thiệu Long ngày nay), cứ đêm đến người ta thấy bóng ông to lớn khổng lồ, lừng lững trên cánh đồng, lưng cúi xuống làm không biết mệt mỏi… Một ngày nọ, đang lúc chuẩn bị cỗ xôi cúng mẹ nhà Trời, do mải chăm chỉ làm việc, đến nỗi gà gáy lúc nào không hay. Thành ra cỗ xôi biến thành hòn núi Mục ở Lam Kinh, còn con gà hóa thành núi Trẩu trên vùng đất Thọ Xuân. Ngọn núi mà ông thần nông trú chân làm ruộng nay có tên gọi là núi Tiên Nông, xã Thiệu Long, Thiệu Hóa.

Đường vào làng Tiên Nông

          Làng Tiên Nông trong truyền thuyết và câu chuyện cổ xưa là vậy còn hôm nay làng Tiên Nông đang ngày một thay da, đổi thịt là vùng du  lịch sinh thái tương lai. Vẫn ngọn núi Tiên ấm lòng ấp ủ, dòng sông cầu chày uốn lượn bồi đắp phù xa, 30 ha cây lấy gỗ như: keo, bạch đàn, muồng... phủ kín ngọn núi cung cấp số lượng lớn nguồn chất đốt, nguồn nguyên vật liệu để làm gỗ ép và sản xuất tinh dầu. Dưới ngay chân núi Tiên Nông xuất hiện một doanh nghiệp trồng cây cảnh, cây xanh bóng mát đô thị rộng 8ha. Cùng với  đồng lúa, bải ngô, luống rau với những con đường bê tông, mái nhà cao tầng mọc lên của người dân nơi đây đã tạo nên một vùng quê bình yên với đa sắc màu, không xa nữa sẻ thu hút đông đảo khách thập phương tham quan, du ngoại.

Sông Cầu Chày, phía trên là núi Tiên Nông

          Cách núi Tiên Nông không xa, bên sườn đê Sông Cầu Chày khuất dần trong những dặng tre là đến thờ Thần Hoàng làng Đông lỗ được xây dựng trên một gò đất cao từ năm 2014, khi mùa lũ về khắp vùng bị ngập úng xong đền thờ vẫn hiên ngang đứng vững với những con sóng nước từ đầu nguồn đổ về đã tượng trưng cho khí phách của hai vị Thần Hoàng Làng lúc khai sinh lập ấp cũng như trong chống giặc ngoại xâm. Theo truyền thuyết kể lại rằng :từ thế kỷ thứ XII, thời Nhà Lý, có hai ông bà ăn ở hiền hậu quê gốc ở Đồ Sơn, lấy nhau đã lâu nhưng không có con, theo đường biển và đường Sông Mã , rẽ nhánh sông Chầu Chày để sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, đêm nằm ngủ cầu khấn kiếm được mụn con để nối dõi tông đường, chiêm bao thấy hai quả bưởi trôi ở đầu thuyền, sáng ra người vợ thấy mình có thai sau một thời gian sinh ra 2 người con trai, lớn lên văn võ song toàn.

Nghè Đông Lỗ, xã Thiệu Long

Lúc này giặc Chiêm Thành  đánh phá  nước ta, nhà vua đã kêu gọi người hiền tài tham gia giúp nước. Hai anh em Họ Hoàng đã xông pha ra trận, đánh tan giặc Chiêm sau đó xin về đấng Lỗ Trang ( nay là Làng Đông Lỗ để ẩn giật). sau đó 2 ông mất do bị ập thuyền, biết ơn công đức nhân dân đã xây dựng đền thờ 3 gian trên khu đất rộng trên 2000m 2, hai bên cột có ghi câu đối( Trang Ấp vạn cổ như sinh- Hải Hà Sơn xuyên bất tử) tạm dich là thôn xóm ngày càng đổi mới, sông núi nước năm trường tồn mãi mãi. Cũng tại đền thờ vẫn còn lưu giữ 10 sắc phong và bia đá đã bị mài mòn qua tháng năm và cứ vào ngày 7 tháng giêng hàng năm chính nơi đây được tổ chức lễ tế Thần, cầu cho Mưa thuận, Gió hòa, Quốc thái, Dân an.

          Về Thăm đình Làng Phú Lai nổi bật có câu đối dăn dạy con cháu muôn đời với dòng chữ: Công cao động quốc vạn niên trường- Đức đại an dân thiên cố thịnh ( nghĩa dịch là phải đóng góp ủng hộ làng, sống phải có đạo đức với người dân. Đình làng làm bằng gỗ, 5 gian, đủ tay chân do bị xuống cấp đến năm 2006 được tôn tạo và cứ vào ngày 10 tháng giêng hàng năm nhân dân trong vùng đã tổ chức lễ tế quan ghi ơn công đức của Thần

Đền thờ Bình vương Dương Tam Kha

          Đến xã Thiệu Long ai ai cũng biết đến đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha là con trai thứ ba của Dương Đình Nghệ. Tiếp nối họ Khúc giành quyền tự chủ, năm 931, Dương Tam Kha là tướng tiên phong trong đoàn quân của Dương Đình Nghệ tiến ra bắc đánh đuổi quân Nam Hán. Ông có công giúp Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền xây dựng, bảo vệ nền độc lập tự chủ vào thế kỷ X sau 1.000 năm Bắc thuộc. Sau khi ông mất, ông được an táng trên một ngọn đồi hình con voi, nay thuộc thôn Thành Đạt, xã Thiệu Long. Trải qua năm tháng, thời gian, mộ phần hư hỏng, núi con voi dần bị san bằng, vị trí đặt mộ của ông bị thất lạc nên các thế hệ  con cháu Họ Dương đã xác định được vị trí ngôi mộ. Tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, Hội đồng họ Dương Việt Nam đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng khu Lăng miếu Bình Vương Dương Tam Kha để làm nơi con cháu họ Dương và khách thập phương về thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ công đức to lớn của ông. Quần thể di tích Bình Vương Dương Tam Kha gồm 2 khu chính là khu Lăng Mộ và khu Đền thờ được xây dựng trên khuôn viên có diện tích trên 1.500m2, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ kính, khang trang, bề thế uy nghiêm, mang đậm phong cách Á Đông. Các hạng mục bao gồm: Phần mộ xây bao bằng đá vvận chuyển từ Bình Định về, có diện tích gần 20m, hình bát giác, phía trên có họa tiết hoa văn, xung quanh khắc kiểu chữ vạn.  Đền thờ chính có diện tích 210m2, thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm khối nhà 5 gian mái đao có chính đường, có hậu cung; kiến trúc theo trục trung tâm đăng đối, chính đường có hoành phi, cửa võng, hai bên có hàng tượng quan binh, voi, ngựa; hoa văn theo lối đình, chùa Việt Nam, nóc Đền đắp Long chầu nguyệt, 4 đầu đao cũng là đầu rồng thời Lê ngước cổ chếch lên cao với khát vọng của người dân: mong mưa thuận, gió hòa, khát vọng công bằng xã hội.  Nhà Tả vu và Hữu vu hai bên Đền chính, xây dựng theo kiến trúc kiểu cung đình, mỗi nhà có diện tích gần 30m2. Gác bia có kiến trúc theo truyền thống đình, đền, chùa có 8 mái cong. Cổng thiết kế kiểu tam quan tứ trụ. Đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012. Lăng miếu Bình Vương Dương Tam Kha không những là điểm đến của con cháu nhà họ Dương trên hành trình về với tổ tiên, nguồn cội mà còn là điểm du lịch cho du khách thập phương đến dâng hương và chiêm ngưỡng.

Đôi Rồng đá trước Đền thờ Bình vương Dương Tam Kha

          Ngoài Di chỉ của người Việt cổ, đền thờ Thần Hoàng các làng, Thiệu long còn rất nhiều điểm dừng chân thăm quan dành cho khách thập phương, trong đó phải kể đến việc xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao và 2 thôn: Thành Đạt và Minh Đức thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

    Để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, UBND xã Thiệu Long đã sớm ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch hành động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên và sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân với những việc làm cụ thể đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, bằng sức dân, kết hợp với nguồn vốn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh và huyện nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng mới, làm cho diện mạo nông thôn của xã n ngày càng khởi sắc. Với mục tiêu xây dựng quê hương Thiệu Long có nền kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được nâng cao, xây dựng xã Thiệu Long trở thành xã nông thôn mới nâng cao; thôn kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.  bám sát nhiệm vụ huyện giao, ngay từ đầu năm 2022 xã đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, giao nhiệm vụ cho các thành viên. UBND xã Thiệu Long đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết chuyên đề của đảng ủy xã và cụ thể hóa bằng Đề án Phát triển nông nghiệp và xây dựng xã Thiệu Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với phát động nhiều phong trào thi đua, như: chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, cải tạo vườn tạp - xây dựng vườn mẫu - phát triển kinh tế vườn hộ,... nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới  nâng cao.

                   Đường vào thôn Minh Đức, xã Thiệu Long ngày càng khang trang, sạch đẹp

           Sau khi có chủ trương, Cấp ủy  thôn đã tập trung triển khai, quán triệt nghị quyết chuyên đề của đảng ủy, đề án của UBND xã một cách kịp thời đến cán bộ, đảng viên trong chi bộ và Nhân dân trong khu dân cư. Chủ động cùng nhau bàn bạc xây dựng nghị quyết theo tháng, quý, kế hoạch, cụ thể thời gian thực hiện từng tiêu chí một cách hiệu quả tại thôn mình, đặc biệt là việc vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.Với quan điểm làm đến đâu chắc đến đó, đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cùng các thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với dân vận khéo, nhằm khơi dậy nguồn lực to lớn trong nhân dân để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn.  XDNTM nâng cao ở xã Thiệu Long có rất nhiều tiêu chí phải hoàn thiện như: giao thông nông thôn, cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thủy lợi nội đồng, tổ chức sản xuất liên kết.... Năm 2022 với mục tiêu, kế hoạch đầu tư nâng cấp và mở rộng hơn 5 km đường giao thông nông thôn.  Thiệu Long đã phát huy quy chế dân chủ ngay tại cơ sở, các chi bộ thôn đã đưa chủ trương mở rộng các tuyến đường giao thông nội thôn, liên thôn ra để nhân dân tự  bàn bạc, trực tiếp quyết định những khoản đóng và hiến đất cho công trình”.

                      

       Kết quả đạt được ở các thôn: Thành Đạt, Minh Đức và Phú Lai cho thấy không có sức mạnh nào bằng sức mạnh lòng dân, sức dân. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chi bộ thôn Phú Lai đã nhận được sự đồng thuận từ Nhân dân, bằng việc thống nhất đóng góp kinh phí để mở rộng đường giao thông nội thôn phục vụ sản xuất, vận động 16 hộ tự nguyện hiến 399m2 đất, xây dựng 377 m tường rào mẫu. Để mở rộng đường giao thông, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn Thành Đạt đã vận động 18 hộ dân hiến hơn 300m2 đất; tự nguyện đóng góp gần 350 triệu đồng để chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây mới cổng làng, xây dựng 1.686m tường rào mẫu. Còn ở thôn Minh Đức, từ chỗ làm tốt công tác Tuyên truyền, vận động, Nhân dân trong thôn đã hiến 1.500m2 đất; đóng góp tiền, ngày công trải nhựa 250m đường giao thông qua nhà văn hóa thôn; đổ bê tông mở rộng các trục đường chính với chiều dài hơn 1 km, xây dựng 662m tường rào mẫu. Cùng với sức dân, xã Thiệu Long đã đầu tư xây mới trường mầm non, với tổng giá trị 6,5 tỷ đồng. Thêm nữa, Ngân hàng Agribank Thanh Hóa đã hỗ trợ cho xã đầu tư xây dựng mới trạm y tế. Trong thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư tuyến đường vào trung tâm xã dài 1 km, với tổng giá trị khoảng 8 tỷ đồng, cũng như hoàn thiện các công trình hạ tầng nông thôn, nhằm đáp ứng các tiêu chí  NTM nâng cao, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Xây dưng tượng đài ghi công các anh hùng liệt sĩ, trồng cây xanh, đặt chậu hoa cây cảnh, lắp đặt 38 mắt camera an ninh... Đến nay Thiệu Long đã đầu tư 36 tỷ đồng cho việc xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, trong đó ngân sách 18 tỷ, nhân dân tự đầu tư trên 12 tỷ, doanh nghiệp 4 tỷ, xã hội hóa 2 tỷ.

          Vào những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đang toàn tâm, dồn sức hoàn thành các tiêu chí còn lại để Thiệu Long về đích NTM nâng cao đúng hẹn và bước sang năm 2023 phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu và hứa hẹn là điểm du lich trong tương lai./.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Thiệu Trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với Du lịch(28/10/2022 8:59 SA)

    Thiệu Phú xây dựng Nông thôn mới nâng cao trở thành điểm đến du lịch (27/10/2022 3:56 CH)

    Thiệu Nguyên hứa hẹn một điểm du lịch sinh thái trải nghiệm ven Sông (17/10/2022 4:42 CH)

    THIỆU LONG ĐIỂM DU LỊCH TRONG TƯƠNG LAI(11/10/2022 9:00 SA)

    THIỆU TRUNG KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN(07/10/2022 11:20 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    316 người đã bình chọn
    °
    537 người đang online