KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM ( 20/11/1982 – 20/11/2022)

Đăng ngày 15 - 11 - 2022
100%

1. Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có một lịch sử rất đặc biệt, vừa có tính quốc tế, tính dân tộc, vừa mang đặc trưng của nhà giáo, của ngành giáo dục và cũng là ngày hội của toàn dân. Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE). Năm 1949 tại hội nghị ở Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục xây dựng một bản Hiến chương các nhà giáo. Tháng 7/1953 Công đoàn giáo dục Việt Nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Tháng 8/1954 tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”, gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu  sau đây:

- Đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.

- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo.

- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày “Hiến chương các nhà giáo”

Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng CNXH và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 nêu rõ: “hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Như vậy, ngày 20/11/1982 là ngày lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể đầu tiên của cả nước ta.

2. Vị trí Nhà giáo xưa và nay

Mỗi người dân Việt Nam từ khi cắp sách tới trường mấy ai không thuộc, không khắc ghi lời dạy “không thầy đố mày làm nên”. Người thầy có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống nói chung và trong mỗi con người nói riêng.

Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn luôn tôn vinh người thầy giáo và trọng nghề dạy học. Không phải ai cũng có thể làm được công việc đó bởi nó yêu cầu cao không chỉ về nhận thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “Đạo”. Đạo làm người; thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người.

Sau cách mạng tháng Tám, trước bốn bề khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 3 loại giặc cần phải loại bỏ: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Vì lẽ đó, mà Người rất mực quan tâm đến giáo dục bởi “Vì lợi ích năm trồng cây,Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để thực hiện thành công sự nghiệp tròng người thì vai trò của thầy, cô giáo là vô cùng quan trọng. Người khăng định: Người thấy giáo tốt - thầy xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Người nói: Bây giờ, nhiệm vụ của giáo dục khác trước. Các cô các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: Bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, coi đây là “quốc sách hàng đầu” là chìa khóa để hội nhập và phát triển. Giáo dục và đào tạo và người hoạt động trong lĩnh vực này được xã hội tôn vinh coi trọng với quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.

Ngày nay, quan hệ thầy, trò có nhiều thay đổi. Vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội cũng có sự thay đổi. Điều đó bị tác động của những mặt trái kinh tế thị trường và cả những áp lực xã hội lên giáo dục trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số chính sách mới như BHXH, tăng tuổi nghỉ hưu, sắp xếp lại biên chế…Trong ngành giai đoạn vừa qua có nhiều văn bản ban hành chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho nhà giáo, các cấp quản lý vô hình tạo cho xã hội nhìn nhận, đánh giá chưa đúng về giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng. Nhưng sự thay đổi ở đây chỉ là hình thức. Nhà giáo trong xã hội hiện đại không còn là người thấy duy nhất trong cuộc đời mỗi con người như thầy xưa mà là những người thầy được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực, là thầy cô giáo bộ môn. Cũng vì thế mà vị thế, vai trò của nhà giáo bị mất dần đi và tình cảm thầy - trò bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh như hiện nay, mỗi nhà giáo cần nhận thức được rằng, ngoài việc dạy cho học sinh kiến thức, kỹ năng, người thầy còn phải là một tấm gương về đạo đức, phẩm chất, lý tưởng cách mạng và nếp sống văn hóa để cho mỗi học sinh mãi mãi mang theo cả cuộc đời hình ảnh đẹp đẽ của người thầy. Ngày nay, cả xã hội quan tâm đến giáo dục, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì vấn đề người dạy học luôn được đề cập đến khi  người ta nhắc đến giáo dục. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội từ xưa đến nay.

3. Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được nhân dân quý trọng và yêu mến. Với truyền thống trọng thầy, hiếu học của dân tộc và dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục và đào tạo nước ta đã từng bước được khẳng định, phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, phát triển đất nước.  Những thành tựu mà ngành giáo dục và đào tạo đạt được chính là nhờ lớp lớp thầy giáo, cô giáo của bao thế hệ đã tận tình, tâm huyết với nghề, tạo nên những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam để chúng ta học tập và phát huy như: Nhà giáo Việt Nam luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân; những nhà giáo chân chính Việt Nam giàu lòng nhân ái, vị tha, tận tụy với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của đất nước; những nhà giáo chân chính Việt Nam bao giờ cũng là người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, luôn có cuộc sống giản dị, trong sáng, mẫu mực; những nhà giáo chân chính Việt Nam luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, trong dạy học để tạo nên nhiều thể hệ học trò có ích cho nước nhà

Lịch sử nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận lớp lớp nhà giáo ngày đêm tận tụy với nghề, lao động sáng tạo, quên mình và nhiều thầy giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng xa. Họ là những anh hùng vô danh.

Tìm hiểu và học tập những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam, nhằm giúp cho đội ngũ thầy cô giáo tiếp tục phát huy những truyền thống của Nhà giáo, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước.

Ôn lại truyền thống nhà giáo Việt Nam để giúp mỗi thầy cô giáo tăng cường lòng thiết tha yêu nghề dạy học, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhà giáo: Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình, thật thà yêu trường mình; có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất… Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh và mãi mãi là niềm tự hào về truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam.

          Tiếp nối truyền thống của các thế hệ nhà giáo đi trước, toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động ngành GD&ĐT huyện Thiệu Hóa hôm nay rất đỗi tự hào về sự phát triển ngành GD&ĐT trong huyện và không ngừng ra sức thi đua lập thành tích vì sự nghiệp trồng cây, trồng người. Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cũng là dịp để các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam và vinh danh các nhà giáo, đồng thời khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động và giảng dạy. Trong năm Phòng GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX đã bám sát nhiệm vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở các cấp học, bậc học. Phòng Giáo dục & Đào tạo tập trung rà soát chương trình điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ học kỳ II năm học 2021 - 2022. Chỉ đạo các đơn vị rà soát chất lượng học sinh, đặc biệt là học sinh chưa đáp ứng được các nhiệm vụ học tập kịp thời giao cho giáo viên giúp đỡ và có biện pháp để học sinh hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm học. Tổ chức ôn tập cho các lớp cuối cấp, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, các kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt. Tổng kết năm học 2021-2022; Sơ kết học kỳ I các trung tâm Học tập cộng đồng; Tuyển sinh các lớp đầu cấp; Xây dựng phương án, kế hoạch chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và kỳ thi TN THPT năm 2022. Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi năm học 2021-2022 vào ngày 25/4/2022 tại trường THCS Thị trấn Vạn Hà diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế. Toàn huyện có 328 học sinh của 28 trường THCS, TH&THCS tham gia thi ở 9 môn. Kết quả thi: Tổng số giải: 194/328 đạt tỷ lệ 59,1%, trong đó: 10 giải Nhất, 35 giải Nhì, 67 giải Ba và 82 giải Khuyến khích. Thi HSG cấp tỉnh các môn văn hóa 43/47 giải xếp thứ 9 (tăng 26 bậc so với NH 2020-2021) toàn tỉnh, điểm TBM tốt nghiệp 6.84 xếp thứ 13 toàn tỉnh, tăng 1 bậc so với đầu vào lớp 10; số HS đạt 27 điểm trở lên 3 môn xét tuyển ĐH 47 em (trong đó có 12 em đạt 28 điểm trở lên - xếp thứ 7 toàn tỉnh về số hs đạt 28 điểm trở lên), có 3 hs duy nhất đạt điểm cao xét tuyển ĐH  trong huyện được GĐ sở tặng Giấy khen. 

Tuyển sinh vào 10 THPT năm học 2022-2023: Tuyển 35 lớp với 1470/1712 HS được tuyển, tỷ lệ 85.98%. Điểm bình quân toàn huyện là 29.21. Trong đó: Trường THPT  Lê Văn Hưu 30.03 điểm; Trường THPT Thiệu Hóa 30.23 điểm; Trường THPT Nguyễn Quán Nho 27.1 điểm; điểm trung bình các môn tăng so với năm học 2020-2021 (môn Toán xếp thứ 5/27 huyện, thị, thành phố tăng 5 bậc; Môn Ngữ văn xếp thứ 6/27; môn Tiếng Anh xếp thứ 11/27 giảm 1 bậc); toàn huyện xếp thứ 7/27 tăng 02 bậc so với năm học 2021 - 2022. Có 12 em đậu vào trường chuyên Lam Sơn xếp thứ 6/27 huyện, thị, thành phố tăng 02 bậc so với năm học 2021-2022, tiêu biểu là em Đỗ Quân Anh trường THCS thị trấn Vạn Hà đạt 45.4 điểm, thủ khoa toàn trường chuyên Lam Sơn.

Riêng các trường THPT tổ chức thi học sinh giỏi các môn văn hóa đều đạt giải cao: Trường THPT Thiệu Hóa xếp thứ 9 toàn tỉnh với 43/47 học sinh tham gia đạt giải. Trường THPT Nguyễn Quán Nho có 25 giải( 06 giải nhì, 11 giải ba và 8 giải KK), xêp thứ 43 toàn tỉnh; Trường THPT Lê Văn Hưu có 32/50 học sinh tham gia đạt giải, xếp thứ 30 toàn tỉnh. Trung tâm GDNN-GDTX duy trì việc dạy học 2021-2022, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và công tác xuất khấu lao động cho lao động các xã thị trấn. Tỷ lệ học lực khá, giỏi tăng 2.6%; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm.Thi tốt nghiệp và xét đại học, cao đẳng: tốt nghiệp đạt 99.2%, toàn huyện có 16 điểm 10 giảm 18 HS và 89 học sinh đạt 27 điểm trở lên giảm 3HS; điểm trung bình các môn thi so với 93 trường THPT toàn tỉnh: THPT Thiệu Hóa xếp thứ 13 giảm 1 bậc, THPT Lê Văn Hưu xếp thứ 42 tăng 4 bậc, THPT Nguyễn Quán Nho xếp thứ 38 tăng 5 bậc so với năm học 2020-2021; TTGDNN- GDTX: Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 1.32%; Kết quả thi tốt nghiệp THPTcó 100/105 em đạt, tỷ lệ 95.25%, những thành tích đó càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường, của cơ quan đơn vị trong ngành GD&ĐT huyện Thiệu Hóa, của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, góp phần đưa các nhà trường, cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển bền vững, đòng góp vào sự nghiệp trồng người của huyện nhà./.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một mốc son chói lọi (06/05/2025 12:55 CH)

    Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân(06/05/2025 10:26 SA)

    Nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri(27/04/2025 9:31 SA)

    Trường Mầm non Thiệu Công tổ chức cho trẻ tham quan dã ngoại tại Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu và...(26/04/2025 5:05 CH)

    Bệnh viện Đa khoa Thiệu Hóa tổ chức Hội thao chào mừng ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống...(25/04/2025 1:49 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    329 người đã bình chọn
    °
    2249 người đang online