1. Đồng chí Lê Công Thanh
Lê Công Thanh (sinh ngày 15 tháng 1 năm 1900) tại làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân bậc trung, là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em.
Năm 1925-1926: Lê Công Thanh tham gia các phong trào thanh niên học sinh yêu nước đòi ân xá cụ Phân Bội Châu, để tang và làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1926, ông gặp Lê Hữu Lập và bắt đầu đi theo phong trào thanh niên cách mạng do Lê Hữu Lập truyền bá tư tưởng. Tháng 4 năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội được thành lập tại Thanh Hóa với Ban chấp hành Tỉnh bộ lâm thời có 3 ủy viên, Lê Công Thanh là ủy viên được phân công phụ trách các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân.
* Hoạt động cách mạng giai đoạn 1929-1945
Tháng 8 năm 1929, Lê Công Thanh thoát ly khỏi tỉnh Thanh Hóa do Tỉnh bộ bị lộ, nhiều đồng chí bị bắt giam, một số đồng chí bị truy nã. Ông sang Nam Định, gặp Khuất Duy Tiến (lúc này là Ủy viên Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Nam Định). Ông được kết nạp vào Đảng và phụ trách công tác tuyên huấn của Đảng bộ Nam Định với bí danh là Mai.
Tháng 10 năm 1929, Lê Công Thanh được cử về Hà Nam để xây dựng Đảng bộ tỉnh. Tháng 3 năm 1930, Ông triệu tập đại biểu của các huyện về Lũng Xuyên tổ chức hội nghị để thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Nam và được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Hà Nam. Tháng 10 năm 1930, Lê Công Thanh đi dự cuộc họp Xứ ủy Bắc Kỳ và được cử làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách Hà Nam và Thái Bình, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Thời kỳ này, Ông đã trở thành cầu nối giữa Thanh Hóa với Xứ ủy Bắc Kỳ, giúp Lê Thế Long và Nguyễn Doãn Chấp hình thành các Chi bộ tại các huyện của Thanh Hóa. Kết quả, ngày 29/7/1930 Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ, Nguyễn Doãn Chấp chỉ đạo hội nghị và Lê Thế Long được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đến tháng 2 năm 1932, Ông bị bắt tại Nam Định, bị kết án 15 năm tù, giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) và Lao Bảo (Quảng Trị)
Tháng 7 năm 1936 Lê Công Thanh được trả về và bị quản thúc tại quê nhà (làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Tháng 1 năm 1944, thầy giáo Lê Công Thanh bị bắt và giam tại nhà lao Thanh Hóa. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, tất cả tù chính trị được trả tự do, Ông cũng được trả tự do trong dịp này.
* Hoạt động sau Cách mạng Tháng tám năm 1945
Tháng 7 năm 1946 đến tháng 12 năm 1950: Ông làm Ủy viên và Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Thiệu Hóa, Bí thư chi bộ cơ quan văn phòng Ủy ban huyện. Năm 1951: Ông làm Hội thẩm và Thẩm phán Tòa án huyện Thiệu Hóa. Tháng 1 năm 1952 đến tháng 12 năm 1963: Ông làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thiệu Hóa và Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ tháng 1 năm 1964: Ông nghỉ hưu và tham gia các phong trào ở địa phương. Ông mất ngày 1 tháng 6 năm 1975 tại quê nhà, làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Toán, huyện Thiệu hóa), tỉnh Thanh Hóa.
2. Đồng chí Lê Huy Toán
Đồng chí Lê Huy Toán quê xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa đồng chí còn có tên bí danh là Bản Bằng), sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Huy Toán đã sớm giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930.
Cuối tháng 3/1934, đưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Chủ - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa, đồng chí được làm Bí thư Chi bộ Mao Xá - Cựu thôn. Ngày 20/4/1939, đồng chí Lê Huy Toán được tham gia hội nghị thành lập BCH Đảng bộ Phủ Thiệu Hóa, năm 1939 đồng chí đã hoạt động rất tích cực và cũng cố nhiều cơ sở Đảng ở Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành.
Trong thời kỳ phản đế cứu quốc (1940-1941), với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Lê Huy Toán là một trong những cán bộ chủ chốt có nhiều đóng góp quan trọng đến việc xây dựng cũng cố tổ chức, cũng cố phong trào ở huyện và trong tỉnh.
Cuối tháng 9 – 1941, sau khi chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, đồng chí Lê Huy Toán đã bị bắt và hy sinh tại nhà lao Thanh Hóa, cuộc đời cách mạng của đồng chí làm tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.
3. Đồng chí Ngô Ngọc Toản
Ngô Ngọc Toản sinh năm 1897 tại làng Yên Lộ, tổng Phù Chẩn, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa) trong một gia đình nông dân hiếu học.
Năm 1919, khoa thi cuối cùng của chế độ khoa cử phong kiến nước ta, ông tham gia ứng thi và đỗ tú tài. Sau khi đõ đạt, được mời làm chức Thừa phái nhưng ông từ chối về làng mở trường dạy học.
Tháng 6 năm 1930, Ngô Ngọc Toản được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 10/7/1930 đồng chí tham gia hội nghị thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở phủ Thiệu Hóa, tại làng Phúc Lộc xã Thiệu Tiến. Từ năm 1931 đến năm 1936 tích cực hoạt động cách mạng ở địa phương, tuyên truyền chỉ đạo phong trào “cải lương, hương chính”. Năm 1939 Ngô Ngọc Toản bị địch bắt và giam cầm ở nhà tù Lao Bảo với mức án 3 năm tù.
Sau khi quân cách mạng làm chủ hoàn hoàn phủ lỵ Thiệu Hóa, chính quyền cách mạng ra đời ngày 20/8/1945 đồng chí Ngô Ngọc Toản làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời Thiệu Hóa và ra mắt nhân dân.
Năm 1953 đồng chí được điều đi công tác ở Nông cống. Đến năm 1956 ông được chuyển về Thiệu Hóa với cương vị Chủ tịch UBHC huyện. Cuộc đời hoạt động của đồng chí Ngô Ngọc Toản là tấm gương đấu tranh không mệt mỏi của một chiến sĩ cách mạng kiên cường.
4. Đồng chí Lê Chủ
Lê Chủ sinh ra trong gia đình phú nông ở thôn Yên Lộ, tổng Phù Chẩn (nay là xã Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ông sống trong gia đình tương đối khá giả, có điều kiện được ăn học nên ông chăm chỉ học tập. Nhưng mong ước đó không thành, khi ông học hết lớp 3 (lớp sơ đẳng) thì cha mất, ông không tiếp tục học nữa mà quyết định về nhà làm ruộng và thay cha quản lý gia đình.
Năm 1928, đồng chí Vương Mậu Kiểm đã giới thiệu và kết nạp Lê Chủ vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại tiểu tổ phủ Thiệu Hóa...Tháng 7 năm 1930, Lê Chủ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Ngô Ngọc Toản giới thiệu. Tháng 3/1932, Lê Chủ cùng một số đồng chí tổ chức hội nghị quyết định củng cố và phát triển phong trào, vạch kế hoạch hoạt động cách mạng.
Ngày 17/3/1934, Hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập tại làng Thuần Hậu (Thọ Xuân), dưới chủ trì của đồng chí Lê Chủ, hội nghị đã cử ra Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 7 ủy viên, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư lâm thời Tỉnh ủy, ngày 18/5/1934 bọn địch ập đến nhà bắt đồng chí Lê Chủ.
Cuối tháng 5 năm 1935, đồng chí Lê Chủ rời khỏi nhà lao Đế quốc. Để thống nhất sự lãnh đạo, ngày 15 tháng 3 năm 1936 Tỉnh ủy Lâm thời tổ chức Hội nghị cán bộ tại nghè Yên Lộ (Thiệu Hóa). Hội kiện toàn Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ. Hội nghị bầu 5 đồng chí vào Tỉnh ủy, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư.
Cuối năm 1939, phong trào đòi quyền dân sinh dân chủ của nhân dân Thanh Hóa đã dấy lên mạnh mẽ, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp và đồng chí Lê Chủ bị địch bắt với án tù 5 năm đầy đi Lao Bảo. Tháng 4 năm 1944, đồng chí vượt ngục, tháng 11 năm 1944, đồng chí được bầu là Phó bí thư Tỉnh ủy.
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Lê Chủ được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh và tháng 12 năm 1945, được bầu Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí là Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa khóa I, sau đó được Trung ương điều đi công tác với các trọng trách khác: Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi thú y, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông lâm).
Ngày 7/3/1980, đồng chí Lê Chủ từ trần, được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Chủ luôn gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương, đất nước, xứng đáng với Huân chương Hồ Chí Minh cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
5. Đồng chí Vương Xuân Cát
Vương Xuân Cát sinh năm 1901 tại làng Phúc Lộc tổng Phù Chẩn (nay là thôn Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến), sinh ra lớn lên trong một gia đình có nề nếp nên ông sớm trở thành người có tri thức.
Đầu năm 1926, ông tham gia vào nhóm đọc sách, báo, vốn nhạy cảm với thời cuộc lại được huấn luyện chu đáo, Vương Xuân Cát đã cùng các đồng chí của mình tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về đường lối cách mạng đấu tranh chống bọn cường hào ác bá chèn ép nhân dân, chống các hủ tục lạc hậu, vận động nhân dân học chữ Quốc ngữ.
Ngày 10/7/1930 dưới sự chỉ đạo của Lê Doãn Chấp hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa được tổ chức tại nhà thờ họ Vương làng Phúc Lộc (Thiệu Tiến). Tại hội nghị đồng chí Vương Xuân Cát được bầu làm Bí thư chi bộ; Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng ở Thiệu Hóa. Lúc này Vương Xuân Cát cùng các đảng viên trong chi bộ tập trung xây dựng các tổ chức quần chúng, nòng cốt là Nông hội đỏ được thành lập ở nhiều làng trên địa bàn Thiệu Hóa, lan sang cả Thọ Xuân, Yên Định. Phong trào đang lên cao thì tháng 12/1930, địch tổ chức lùng sục triệt phá các tổ chức quần chúng ở tổng Xuân Lai, Phù Chân; 7 trong số 11 đảng viên ở chi bộ Phúc Lộc bị bắt, trong số đó có Vương Xuân Cát. Ông bị giam ở nhà lao Thanh Hóa 3 tháng, sau đó chúng đưa đi giam cầm ở nhà tù Lao Bảo.
Ra tù ông về sinh sống với gia đình và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Đầu năm 1940 Vương Xuân Cát cùng các đảng viên trong chi bộ Phúc Lộc, Yên Lộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh vạch mặt bọn lý hương không được nhũng nhiễu dân, hăm dọa dân khi tham gia các tổ chức cách mạng, cũng trong năm 1940 thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương lần 6, Vương Xuân Cát chỉ đạo thành lập hội Phản đế cứu quốc ở làng Phúc Lộc rồi lan rộng ra khắp tổng Xuân Lai, Phù Chẩn. Hội lấy lực lượng tự vệ làm nòng cốt bảo vệ các cơ sở quần chúng, các cơ quan của huyện, tỉnh, bảo vệ giải vây cho các cán bộ hoạt động trong vùng khi bị địch bao vây truy nã. Hội có nhiệm vụ thường xuyên luyện tập quân sự, mua sắm vũ khí thô sơ, tổ chức thành lực lượng bán vũ trang quyên góp ủng hộ các chiến sĩ ở chiến khu Ngọc Trạo, xây dựng lực lượng hậu bị tiếp ứng cho chiến khu khi cần thiết.
Tháng 10/1941, chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, Thiệu Hóa bị địch tấn công, khủng bố ác liệt, địch giăng mạng lưới mật thám dày đặc ở khắp nơi. Mặc dù vậy Vương Xuân Cát vẫn vững vàng cùng các chiến sĩ cộng sản trong Đảng bộ phủ Thiệu Hóa lãnh đạo quần chúng đấu tranh ngoan cường với địch. Tháng 12/1942 ông vận động được 80 người dân Quan Trung (Thiệu Tiến) đấu tranh chống bọn lý hương biển thủ muối, diêm.
Cách mạng Tháng tám thành công, Vương Xuân Cát tham gia công tác chính quyền, Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính xã Thành Công. Năm 1956, ông nghỉ công tác, 19 năm sau thì mất, thọ 65 tuổi.
Vương Xuân Cát người Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập.
6. Đồng chí Ngô Đức
Ngô Đức (tức Ngô Duy Đông) sinh ngày 19 tháng 8 năm 1905 tại làng Ngô Xá Hạ, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Thbieuej Minh, huyện Thiệu Hóa). Lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Ngô Đức đã sớm giác ngộ cách mạng, được các đồng chí Đảng viên Đảng bộ Phủ Thiệu Hóa (thành lập ngày 10/7/1930) dìu dắt.
Tháng 2 năm 1934, sau những năm tháng hoạt động không mệt mỏi, một vinh dự vô cùng to lớn đối với Ngô Đức, đồng chí được kết nạp vào Đảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ.
Ngày 1 tháng 5 năm 1934, tại chợ Đu tổng Xuân Lai, đồng chí Ngô Đức và hơn 50 quần chúng trung kiên đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, kêu gọi nhân dân đòi quyền tự do dân chủ, giảm các loại thuế. Đầu năm 1935 Chi bộ Ngô Xá Hạ được thành lập, đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ.. Ngày 20 tháng 9 năm 1939 đồng chí Ngô Đức được cử đi dự Đại hội Tỉnh Đảng bộ.
Cuối năm 1939, đồng chí Ngô Đức bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà lao Thanh Hóa và đầy đi nhà lao Buôn Mê Thuật. Năm 1942, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc đồng chí trở về Thiệu Hóa và tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở Đảng. Năm 1943, Chi bộ Ngô Xá Hạ được kiện toàn đồng chí được bầu làm Bí thư, tiếp tục lãnh đạo cuôc đấu của nhân dân tỏng vùng.
Đầu năm 1945, đồng chí Lê Chủ thay mặt Tỉnh ủy cử đồng chí Ngô Đức vào Phủ ủy Thiệu Hóa và làm Bí thư kiêm Chủ nhiệm Việt Minh. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Tỉnh ủy chỉ định đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thiệu Hóa. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa họp tại làng Mao Xá, thống nhất lên kế hoạch giành chính quyền Phủ Thiệu Hóa vào đêm 18/8, đồng chí Ngô Đức được giao nhiệm vụ chỉ huy chung, cuộc khởi nghĩa diễn ra tuy có đổ máu ít nhiều, nhưng đã giành thắng lợi chọn vẹn.
Từ sau ngày cách mạng thành công đến năm 1950, đồng chí Ngô Đức luôn được giao những cương vị quan trọng: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa. Đầu năm 1959 được BCH Đảng bộ tỉnh tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa và đến năm 1964 được nghỉ hưu.
Sau những năm tháng hoạt động cách mạng không mệt mỏi, ngày 13/3/1981 đồng chí Ngô Đức đã từ trần, để lại tấm gương sáng ngời cho các thế hệ con em quê hương Thiệu Hóa noi theo và học tập.
7. Đồng chí Ngô Thuyền
Ngô Thuyền sinh ngày 10 tháng 10 năm 1910 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa. Ông nội từng tham gia phong trào văn thân chống Pháp từ cuối thế kỷ XIX tại Thanh Hóa.
Ngô Thuyền lớn lên khi phong trào yêu nước và cách mạng ở Thiệu Hóa đã diễn ra rầm rộ, từ những hoạt động năng nổ trong phong trào, được các Đảng viên dùi dắt, tháng 9 năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, được giao nhiệm vụ gây dựng tổ chức cơ sở Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.
Cuối năm 1939, đồng chí Ngô Thuyền bị thực dân Pháp và kết án 2 năm tù, giam tại nhà lao Thanh Hóa, sau 2 năm bị tù đầy thực dân Pháp cho rằng đồng chí là một đối tượng nguy hiểm nên chúng tăng thêm 3 năm nữa và đầy đi nhà lao Buôn Mê Thuật.
Tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được thả tự do, trở về Thiệu hóa tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Ngô Thuyền được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Hoàng Hóa rồi Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy. Năm 1949 đồng chí được điều về làm Bí thư nông dân cứu quốc tại liên khu IV. Từ tháng 4 năm 1953 đến năm 1954, đồng chí được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch UB hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hóa.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại, đồng chí Ngô Thuyền được di dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Giữa năm 1961, đồng chí Ngô Thuyền làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lương thực. Năm 1963, Trung ương điều đồng chí trở lại Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III.
Từ năm 1970 đến năm 1975, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Cuối năm 1975, đồng chí về nước giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng đến năm 1983.
Ngày 22/7/1994, đồng chí Ngô Thuyền từ trần, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất, hạng nhì, Huân chương Hồ Chí Minh.