![](/portal/Photos/2024-11-04/71c45514f9c61dbdT10t.jpg)
HƯỚNG DẪN - CHỈ ĐẠO
TRÍCH: CHỈ THỊ 24-CT/HU NGÀY 20 THÁNG 9 NĂM 2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY
VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC TUYỂN CHỌN VÀ GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ NĂM 2025
Năm 2024, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của huyện đã được cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tổ chức lễ giao, nhận quân đúng quy định, hoàn thành 100% chỉ tiêu, an toàn tuyệt đối, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt một số nội dung như sau:
1. Quán triệt sâu sắc và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Thông tư Liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; Thông tư số 105/2023/TT-BQP ngày 06/12/2023 quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và các văn bản có liên quan, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Ủy ban nhân dân huyện căn cứ vào chỉ tiêu tỉnh giao, quyết định phân bổ chỉ tiêu nhập ngũ năm 2025 cho các xã, thị trấn. Tổ chức kiện toàn Hội đồng NVQS, Tổ xử lý vi phạm hành chính, thành lập Hội đồng Khám sức khoẻ NVQS huyện đúng, đủ thành phần và phân công cụ thể các thành viên Hội đồng NVQS theo dõi, chỉ đạo các xã, thị trấn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, các khâu, các bước trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, đủ số lượng, chất lượng, thời gian theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong huyện tích cực, chủ động làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm vững tình hình tư tưởng, tâm tư tình cảm, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tạo điều kiện thuận lợi, động viên kịp thời thanh niên và các gia đình có con em lên đường nhập ngũ.
4. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, là cơ quan thường trực Hội đồng NVQS huyện, chủ trì tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND, Hội đồng NVQS huyện xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, dân chủ, chất lượng. Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng NVQS các xã, thị trấn thực hiện đúng, đủ các khâu, các bước trong quá trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị nhận quân tổ chức thâm nhập trên hồ sơ, hiệp đồng, chốt quân số và bàn giao theo quy định; tham mưu tổ chức lễ giao nhận quân trang trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tổng hợp kết quả công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2025 báo cáo Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Bộ CHQS tỉnh theo quy định.
5. Công an huyện, trực tiếp chỉ đạo công an các xã, thị trấn rà soát 100% thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, quản lý chặt chẽ hộ khẩu đối với số thanh niên hiện có của địa phương trước, trong và sau khi sơ tuyển, khám tuyển. Chủ trì xác minh tiêu chuẩn chính trị của thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và phòng Tư pháp UBND huyện hướng dẫn chuyên môn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thiết lập hồ sơ đối với những thanh niên, gia đình, tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, làm sai lệch kết quả, cản trở việc khám, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ làm cơ sở pháp lý để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện, phối hợp tham mưu kiện toàn Hội đồng khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự huyện, tổ chức thực hiện công tác khám tuyển sức khoẻ cấp huyện bảo đảm theo đúng quy định. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND và Hội đồng NVQS huyện về tiêu chuẩn, chất lượng sức khỏe của thanh niên gọi khám tuyển Nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, hoàn thành tốt 100% chỉ tiêu giao quân năm 2025. Đồng thời chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác sơ tuyển theo quy định.
7. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn: Làm tốt công tác tuyên truyền Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Công an Nhân dân và các văn bản có liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân; đăng ký, quản lý chặt chẽ nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Thực hiện nghiêm túc khâu rà soát, xét duyệt, sơ tuyển bảo đảm chất lượng, đủ chỉ tiêu quân số chính thức, dự phòng theo quy định. Công tác tuyển chọn phải kết hợp với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện công bằng xã hội; Tổ chức triển khai thực hiện quy trình công tác tuyển quân năm 2025 đúng quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện tốt chính sách đối với quân nhân xuất ngũ, tổ chức đón tiếp, gặp mặt, hướng nghiệp, tạo việc làm cho chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an xuất ngũ trở về địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên hằng năm và là nhiệm vụ trọng tâm trong Quý IV/2024 và Quý I/2025 của địa phương. Nhận được Chỉ thị này yêu cầu các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025.
Nguồn: Văn phòng Huyện ủy
TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT
THIỆU HÓA: 9 THÁNG, 25/27 CHỈ TIÊU ĐẠT
VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH NĂM 2024
9 tháng năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thiệu Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2024; nhiều chỉ tiêu kinh tế thuộc nhóm địa phương dẫn đầu của tỉnh. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 3.856 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ; tỷ lệ đô thị hóa đạt 27,14%. Sản lượng lương thực ước đạt 109,26 nghìn tấn, vượt 3,1% so với mục tiêu kế hoạch năm. Tổng giá trị xuất khẩu 36,01 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt gần 700 tỷ đồng, đạt 266% dự toán tỉnh giao.
Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, năng suất lúa trong nhóm cao nhất của tỉnh; xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung chỉ đạo, có thêm 2 xã NTM nâng cao, 17 thôn NTM kiểu mẫu.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng cao, dự án nhà máy sản xuất giày dép cao cấp ALivia đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, bắt đầu vận hành sản xuất, đặt dấu mốc có sản phẩm công nghiệp mới sau nhiều năm; khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm tạo hấp dẫn mới trong thu hút đầu tư; công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đạt kết quả tốt, 03 cụm công nghiệp đã hoàn thành GPMB và các thủ tục về đất đai, dần đi vào hoạt động đóng góp lớn vào sự phát triển của huyện trong thời gian tới. Việc sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy có nhiều kết quả nổi bật, đã mở rộng thị trấn Thiệu Hóa trên cơ sở sáp nhập thêm xã Thiệu Phú, thành lập thị trấn Hậu Hiền, tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện vượt xa so với chỉ tiêu đề ra.
Văn hóa xã hội có chuyển biến tiến bộ. Nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu được tổ chức thành công như lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Múa đèn xếp chữ, hát chèo chải cổ trong Lễ hội Ngư Võng phường” xã Thiệu Quang; lễ kỷ niệm 702 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu lần đầu được tổ chức theo kịch bản lễ hội; cuộc vận động sáng tác ca khúc về Thiệu Hóa, giải bóng đá Nhi đồng toàn tỉnh - Cúp Báo Thanh Hóa 2024...
Giáo dục mũi nhọn duy trì chất lượng trong nhóm các địa phương dẫn đầu trong tỉnh; đã thành lập quỹ khuyến học khuyến tài Lê Văn Hưu. Hoàn thành kế hoạch vận động, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho hộ nghèo và tiếp tục phát động làm nhà ở cho hộ cận nghèo, gia đình chính sách và hộ khó khăn về nhà ở.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, đã chủ động trong việc triển khai Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động chuẩn bị sớm các điều kiện, nội dung phục vụ đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; hoàn thành sưu tầm, biên soạn và ra mắt cuốn sách “Lịch sử đảng bộ huyện Thiệu Hóa 1930 - 2020”; có nhiều đổi mới phương thức, cách thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, xử lý công việc hàng ngày và tổ chức các hội nghị; MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào do tỉnh phát động, một số phong trào đặc thù của huyện được tỉnh đánh giá cao và tham khảo triển khai nhân rộng.
Quốc phòng, an ninh được giữ ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Hoàn thành rà soát quy hoạch cán bộ; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Đảng bộ huyện Thiệu Hóa tập trung khắc phục những hạn chế, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, quyết tâm cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Tập trung các giải pháp tăng thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các dự án giao thông; chăm lo an sinh xã hội; đồng thời phát động thi đua trong toàn Đảng bộ lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Ban Biên tập
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH
PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn trực tiếp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Về Đảng Cộng sản Việt Nam, lâu nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách quy kết “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là có “tội” với dân tộc và nhân dân”; chúng “chụp mũ”, cho rằng “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy Nhân dân Việt Nam vào cảnh cơ cực, đói khổ, nghèo nàn, cùng quẫn”, v.v. Đây là sự vu khống, bịa đặt vô cùng trắng trợn, nhằm bôi nhọ, phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân ta. Thực vậy, với lòng yêu nước nồng nàn và ước muốn tột cùng là cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, Hồ Chí Minh đã bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin “như một cuộc hẹn hò lịch sử” và đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn là giải phóng dân tộc bằng cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917” mới có thể giành được độc lập dân tộc thực sự, hoàn toàn; Nhân dân ta mới được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Để thực hiện con đường cứu nước đúng đắn đó. Người đã nhận thấy rõ tính tất yếu cũng như vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đồng thời, đảng đó phải là đảng cách mạng, chân chính, phải được thiết lập trên cơ sở gắn bó máu thịt giữa đảng với các tầng lớp nhân dân, đảng không có lợi ích nào khác ngoài đấu tranh vì lợi ích của dân tộc, được quần chúng nhân dân thừa nhận và vì sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai. Từ tư duy khoa học, cách mạng đó, Người đã chủ động tiến hành chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng. Và thực tế đã cho thấy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo; dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Những luận cứ khoa học trên và thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đã quy kết “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là có “tội” với dân tộc, với nhân dân”!
Về quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch ra sức bịa đặt và xuyên tạc rằng “Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa yêu nước vào quy luật hình thành Đảng là trái với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng cộng sản”. Chúng còn ra điều hiểu biết khi viện dẫn: “chủ nghĩa yêu nước chỉ làm mất bản chất giai cấp công nhân của Đảng”, v.v. Thực chất, đây là những luận điệu nhằm đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thành tố “chủ nghĩa yêu nước” đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận điệu đó hoàn toàn vô lý, không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thực vậy, trên cơ sở nắm vững nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, Hồ Chí Minh khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lênin là một thành tố quan trọng quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân mới là điều kiện “cần” để Đảng ra đời; nhưng để Đảng ta tồn tại, phát triển và giữ vững vai trò đội tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì phải có điều kiện “đủ” - đó chính là phong trào yêu nước Việt Nam. Bởi vì, phong trào yêu nước Việt Nam được dẫn dắt bởi chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; ra đời trước phong trào công nhân, đã đồng hành cùng dân tộc và là phong trào rộng lớn nhất, quy tụ các giai cấp, tầng lớp đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Trong bối cảnh ấy, nếu phong trào công nhân không gắn bó với phong trào yêu nước, trở thành nòng cốt trong phong trào yêu nước thì cũng không lãnh đạo và tập hợp được lực lượng đông đảo. Hồ Chí Minh đánh giá đúng vị trí, vai trò và đưa phong trào yêu nước là một thành tố hợp thành không thể thiếu cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta. Như vậy, tư tưởng trên của Hồ Chí Minh không hề “trái với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin”; đồng thời, cũng không “làm giảm bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta”. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật hình thành đảng cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến của Hồ Chí Minh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo và huy động toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó đã bác bỏ mọi luận điệu mà các thế lực thù địch đã rêu rao, xuyên tạc.
Phủ nhận, xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, sâu xa là xuyên tạc, phủ nhận dẫn đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đó là những hành động hết sức nguy hiểm và phản động, đòi hỏi chúng ta cần tỉnh táo nhận rõ mưu đồ và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Ban Biên tập
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
KHÁT VỌNG LÀM GIÀU TRÊN QUÊ HƯƠNG
Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành quyết tâm khởi nghiệp với nghề làm lông mi giả. Sau 5 năm đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất của chị đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định.
Trước khi đến với nghề làm lông mi giả, chị là giáo viên mầm non xã Thiệu Thành. Vốn là người có ý chí cầu tiến, mong muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, tranh thủ thời gian sau giờ dạy học chị đã tìm hiểu, học hỏi nghề làm lông mi giả thông qua mạng xã hội. Với sự tỉ mẩn, khéo léo và tìm được thị trường ổn định trong việc tiêu thụ sản phẩm nên công việc này đã mang lại cho gia đình chị thu nhập cao.
Năm 2019, chị quyết định mở cơ sở sản xuất lông mi giả Hiền Chung, tuy nhiên khi bắt tay vào với nghề, cơ sở của chị gặp không ít khó khăn. Đó là việc nhiều người lao động chưa thực sự tin tưởng vào sự ổn định cũng như mức thu nhập được hưởng; tâm lý ngại thay đổi công việc khi thấy công đoạn làm ra sản phẩm phải tỉ mẩn, cẩn trọng.
Để có nhiều thời gian cho công việc, sau thời gian dài trăn trở, chị đã xin nghỉ công việc đang làm ở trường mầm non. Lúc đó, nhiều người thân khuyên nhủ, can ngăn vì chị đang có công việc ổn định và là niềm mơ ước của nhiều người. Nếu như theo đuổi nghề này thì gặp nhiều khó khăn vì đây là nghề mới được du nhập, liệu có ổn định không; nếu như thất bại thì sẽ làm gì? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra, thế nhưng là người có “máu” kinh doanh, chị vẫn quyết định với lối đi riêng cho mình.
Lường trước những khó khăn sẽ gặp trong những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hiền không nản chí và luôn tâm niệm với bản thân phải tận tình, trách nhiệm dạy cho chị em thạo nghề, có thu nhập tăng lên thì họ mới có niềm tin gắn bó với công việc. Sau thời gian miệt mài làm việc, cơ sở sản xuất lông mi giả Hiền Chung đã tạo được chữ tín và có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước, đơn hàng liên tục tăng lên mang về nguồn lợi nhuận lớn. Đến nay, cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, ngoài ra còn có nhiều chi nhánh ở các huyện trong và ngoài tỉnh.
Từ ngày thành lập đến nay, cơ sở sản xuất lông mi giả Hiền Chung đã giúp nhiều chị em có việc làm và thu nhập ổn định. Theo tính toán của chị Hiền, nếu người lao động chịu khó sẽ đảm bảo mức thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, đảng viên trẻ không chỉ kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định, mà chị còn luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiệt tình truyền dạy những kinh nghiệm đối với nhiều người có nhu cầu học nghề hoặc mở cơ sở. Đây là tấm gương sáng ở địa phương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để mọi người học tập, noi theo.
Ban Biên tập
XÃ THIỆU GIAO PHÁT HUY QUY CHẾ DÂN CHỦ
KHƠI DẬY “LÒNG DÂN - SỨC DÂN”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn...”. Thấm nhuần lời dạy của Người, cấp ủy, chính quyền xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) đã vận dụng, phát huy tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm khơi dậy sức dân trong XDNTM nâng cao.
Năm 2022, khi bắt đầu triển khai XDNTM nâng cao, xã Thiệu Giao gặp nhiều khó khăn khi mới đạt 12/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đạt thấp. Trong đó phải kể đến, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm; thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 49,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,6%. Vì đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn nên việc huy động sức dân để XDNTM nâng cao bị hạn chế. Đáng nói hơn, có những cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về XDNTM nâng cao, đang còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và xem đó là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ thực tiễn khó khăn ấy, cấp ủy, chính quyền xã Thiệu Giao xác định, XDNTM nâng cao là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đòi hỏi phải có những bước đi phù hợp, vững chắc. Bởi vậy, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của huyện Thiệu Hóa về XDNTM nâng cao, đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng xã NTM nâng cao”. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo XDNTM nâng cao và tổ chức khảo sát, lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện XDNTM nâng cao. Đặc biệt, HĐND xã đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ, kích cầu các công trình, hạng mục phục vụ chuẩn NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, như: Hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa thôn là 500 triệu đồng/nhà; cải tạo nâng cấp là 300 triệu đồng/nhà văn hóa; cải tạo nâng cấp tường rào trên tuyến đường mẫu ở các thôn mức hỗ trợ 185.000 đồng/m chiều dài; nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn hỗ trợ 100% xi măng; làm mương tiêu thoát nước khu dân cư 100% xi măng; hỗ trợ 5 triệu đồng/vườn mẫu. Mặt khác, cả hệ thống chính trị của xã Thiệu Giao cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động để Nhân dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM nâng cao. Từ đó, chung sức đóng góp tiền của thực hiện các tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn lớn, như: xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Điểm nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở của Thiệu Giao là những khoản đóng góp của Nhân dân đều được các thôn đưa ra bàn bạc, thống nhất theo nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ, công khai”.
Về Giao Sơn - thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Thiệu Giao, từng bước “thay da đổi thịt” của một vùng quê thuần nông, với nhà văn hóa khang trang, những con đường bê tông rộng rãi nhiều cây xanh và các loại hoa khoe sắc. Đầu năm 2022, Giao Sơn được đảng ủy, UBND xã lựa chọn để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Phát huy QCDC ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, chi bộ thôn đã công khai chủ trương, kế hoạch thực hiện các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu để Nhân dân được biết và trực tiếp thảo luận mức đóng góp, lựa chọn phương án thực hiện. Từ chỗ, phát huy QCDC ở cơ sở, gắn với khéo tuyên truyền, vận động mà chi bộ thôn đã khơi dậy được “lòng dân, sức dân”. Theo đó, Nhân dân thôn đã tự nguyện đóng góp hơn 1,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa, mở rộng đường giao thông, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, làm 2,8km tường rào kiểu mẫu, đường hoa... Nhờ sức dân mà bộ mặt nông thôn của Giao Sơn đã trở nên khang trang, hiện đại và trở thành vùng quê “đáng sống”.
Đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Thiệu Giao về nhiệm vụ đưa thôn Đồng Lực cán đích NTM kiểu mẫu vào cuối năm, chi bộ thôn đã họp, bàn bạc, thống nhất chủ trương, với quyết tâm cao nhất. Bà Lê Thị Lan, trưởng thôn cho biết: “Xác định người dân là chủ thể của XDNTM kiểu mẫu, chi bộ thôn đã tổ chức các cuộc họp để quán triệt chủ trương, kế hoạch thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân được biết và tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến trước khi tổ chức thực hiện. Mặt khác, chi bộ thành lập tổ vận động vừa làm nhiệm vụ huy động sức dân, vừa tuyên truyền để Nhân dân nhận thức, hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương”. Được tuyên truyền và vận động, các hộ thôn Đồng Lực đã đồng thuận đóng góp mỗi khẩu 500.000 đồng để cùng với hỗ trợ của xã Thiệu Giao nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường nội thôn, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn, làm 2,8km tường mẫu, vẽ đường bích họa kết hợp trồng cây xanh tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước khu dân cư... Bằng sự quyết tâm cao và phát huy QCDC ở cơ sở trong quá trình triển khai xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn nên chi bộ thôn luôn nhận được sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân. Đây chính là yếu tố quyết định đưa thôn Đồng Lực “về đích” NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Nhờ phát huy tốt QCDC ở cơ sở nên từ năm 2022 đến tháng 8/2024, xã Thiệu Giao đã huy động được 125,625 tỷ đồng cho XDNTM nâng cao. Trong đó, nguồn lực huy động trong Nhân dân để xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn là 70,527 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa, của huyện Thiệu Hóa và ngân sách xã. Từ nguồn lực huy động được, xã Thiệu Giao đã đầu tư làm mới, nâng cấp mở rộng bê tông hóa, nhựa hóa hơn 4km đường giao thông và hơn 2km rãnh thoát nước khu dân cư; xây mới và sửa chữa 8 nhà văn hóa thôn khang trang; xây dựng các tuyến tường rào mẫu với chiều dài 18,5km...
Với “chìa khóa” là phát huy QCDC ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã Thiệu Giao đã huy động được sức dân trong XDNTM nâng cao. Thành quả là giữa tháng 6/2024, Thiệu Giao đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhờ “lòng dân - sức dân” mà diện mạo nông thôn ở Thiệu Giao đã khoác lên mình tấm áo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Ban Biên tập
THÔNG TIN - TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM
NEM THIÊN ÂN LUÔN TỰ HÀO VỚI CHẤT LƯỢNG
Xã Thiệu Châu trước kia, nay là Tân Châu có truyền thống làm bánh, bún, nem, giò, chả từ bao đời. Các thế hệ con em của Tân Châu luôn duy trì và phát triển ngành nghề, nâng cao mức thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cũng như bao người khác, anh Nguyễn Viết Hiếu, thôn Phú Văn, xã Tân Châu, sau khi học ngành chế tạo máy tại Trường Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và 2 năm làm việc vất vả tại Sài Gòn, anh đã quay về quê hương xây dựng gia đình, đầu tư kinh phí tập trung sản xuất nem.
Sinh ra từ mạnh đất có truyền thống ngành nghề nem, giò, chả nên ít nhiều cũng đã nắm bắt cơ bản về quy trình sản xuất nem, cùng với sự giúp đỡ về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của cô ruột và chị gái nên anh Hiếu nhanh tiếp cận với nghề làm nem.
Ban đầu anh đã đầu tư trên 100 triệu đồng mua máy móc, thiết bị và vật tư làm nem. Với mong muốn mang đến cho thực khách những sản phẩm tốt nhất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giữ gìn uy tín cho sản phẩm nem chua thương hiệu Thiên Ân Nem đã được ra đời. Nem Thiên Ân không là món ăn hấp dẫn có vị chua dịu ngọt của thịt, vị cay của ớt tỏi, vị thơm bùi của lá đinh lăng, vị dai của bì lợn và nhất là lớp lá chuối không lẫn vào đâu được. Chính điều đó đã mang đến cho đặc sản Nem Thiên Ân sức quyến rũ, khó cưỡng lại mỗi khi thưởng thức. Nem Thiên Ân không chỉ ngon mà còn rất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thương hiệu Nem Thiên Ân luôn tự hào với chất lượng.
Nhằm không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng, anh Hiếu đã đầu tư 500 triệu đồng mua các loại máy móc như: Xay thịt, làm da, chộn nem, hút chân không, ép thịt… Cùng với đổi mới kỹ thuật sản phẩm nem Thiên Ân đã tạo thêm một hương vị đặc trưng thơm ngon hấp dẫn quý khách, mẫu mã đẹp nhất, giá cả hợp lý...
Qua trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Viết Hiếu, chủ cơ sở sản xuất nem Thiên Ân cho biết: cơ sở nhập nguồn thực phẩm sạch từ lò mổ của gia đình anh Lê Huy Huấn, ở xã Thiệu Vũ, với số lượng 80 cân thịt mỗi ngày, sản xuất ra gần 2 vạn nem các loại như: nem chua, nem nướng và nem thính.
Ngoài 4 lao động của gia đình, cơ sở còn tạo việc làm cho 8 lao động ở địa phương, mức thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Theo ước tính hằng năm trừ chi phí cơ sở có thu nhập 60 triệu đồng/tháng.
Cơ sở sản xuất nem Thiên Ân rất coi trọng đến việc xử lý nguyên liệu đầu vào là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng và độ ngon của nem chua. Hai nguyên liệu đầu vào chính trong quy trình sản xuất nem chua là thịt heo và da heo. Việc tuân thủ đúng các tiêu chuẩn chọn, xử lý thịt heo giúp tạo ra thành phẩm với chất lượng cao. Tỉ lệ thịt heo chiếm 40 - 60% trong tổng trọng lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tùy vào bí quyết và từng vùng vị trí làm nem mà tỉ lệ thịt heo có thể khác nhau. Thịt heo được chọn trong sản xuất nem phải là thịt nóng, vừa mới được mổ, khả năng giữ nước cao, có độ kết dính. Bên cạnh đó, khi xay thịt mịn, dẻo, để chế biến.
Sau khi đã lựa được những phần thịt tiêu chuẩn nhất và xử lý mỡ sẽ bước vào công đoạn cắt nhỏ và xay thịt. Quá trình xay giúp làm nhỏ thịt. Da heo được làm kỹ, cắt sợi giòn và dai, từ đó đem lại thành phẩm nem chuẩn chất lượng.
Thịt và da heo sau khi đã được xử lý xong sẽ được cho vào cùng với gia vị (đường, muối ăn, bột ngọt, tiêu, tỏi), chất phụ gia (muối nitrat, vitamin C) nhào trộn đều với nhau, tăng độ kết dính của hỗn hợp.
Được biết nem Thiên Ân đang cung cấp trên thị trường các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Bỉm Sơn, Yên Định và Thành phố Thanh Hóa và các cơ sở chuyên bán sản phẩm OCOP.
Tin tưởng về chất lượng của Nem Thiên Ân, sản phẩm truyền thống này thực sự sẽ khẳng định được chỗ đứng của mình trên thương trường, gửi gắm niềm tự hào về đặc sản quê hương, lan tỏa văn hóa xứ Thanh đến khắp mọi miền trong nước bằng sự tin yêu sử dụng của các qúy khách.
Thanh An
THIỆU HÓA QUAN TÂM TẠO VIỆC LÀM
CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Trong những năm gần đây, huyện Thiệu Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Thông qua các chương trình đào tạo nghề và bố trí việc làm, người dân không chỉ có thêm thu nhập mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó vươn lên thoát nghèo. Sự chủ động này không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cộng đồng, giúp họ thích ứng với nhu cầu thị trường lao động ngày càng đa dạng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 791 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, 55 HTX. Qua khảo sát, hằng năm các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng từ 3.000 đến 4.000 lao động mới. Nắm bắt được nhu cầu này, huyện Thiệu Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động vào làm và học việc. Đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả những chương trình đã thực hiện, từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế, sát với nhu cầu thị trường lao động...
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Thiệu Hóa đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.646 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 83,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,28% so với cùng kỳ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, huyện cũng xác định xuất khẩu lao động là giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, ngành chức năng của huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động triển khai tuyển dụng lao động ở các xã, thị trấn tham gia xuất khẩu lao động, tạo điều kiện về thủ tục để lao động tiếp cận vốn nếu có nhu cầu... Đến nay, toàn huyện có hơn 4.000 lao động hiện đang làm việc có thời hạn tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Singapore... Nguồn lao động này đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
Trong thời gian qua huyện đã chủ động thông tin kịp thời đến các tầng lớp Nhân dân về các chính sách lĩnh vực lao động. Việc kết nối cung - cầu lao động được tăng cường như tổ chức sàn giao dịch việc làm, tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn. Từ đó, số người có việc làm và thu nhập đều tăng so với cùng kỳ. Với mục tiêu đến cuối năm giải quyết việc làm mới cho 5.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,3% trở xuống, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho UBND huyện tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2030, tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.
Thanh Mai
THIỆU HÓA NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, cách làm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) như đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm phòng, chống BLGĐ... nên công tác phòng chống BLGĐ ở huyện Thiệu Hóa ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Từ nhiều năm nay, thôn Nguyên Hưng luôn là điểm sáng trong công tác phòng, chống BLGĐ ở xã Thiệu Nguyên. Thôn hiện có 154 hộ, với 736 nhân khẩu. Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống BLGĐ, thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống BLGĐ trên hệ thống loa truyền thanh, qua các cuộc họp thôn... Cùng với đó, thôn đã thành lập được CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc thu hút hơn 40 thành viên là chị em phụ nữ tham gia. CLB sinh hoạt mỗi quý một lần hoặc lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt đoàn thể. Thông qua sinh hoạt, các thành viên trong CLB được học hỏi kinh nghiệm về phát triển kinh tế, cách nuôi dạy con, ứng xử giữa mẹ chồng - nàng dâu, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Ngoài ra, trong thôn cũng đã thành lập tổ hòa giải cơ sở thu hút được các thành viên trong ban công tác mặt trận thôn tham gia. Tổ hòa giải cơ sở ở thôn hoạt động khá hiệu quả, giải quyết kịp thời một số vụ việc liên quan đến BLGĐ xảy ra. Từ những cách làm đó, nhiều năm nay công tác phòng chống BLGĐ ở thôn đã có những chuyển biến tích cực, các gia đình trong thôn sống hòa thuận, vui vẻ, không có tình trạng BLGĐ xảy ra.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thiệu Nguyên cả 9/9 thôn đều đã thành lập được các CLB, nhóm, mô hình phòng chống BLGĐ. Toàn xã đã có 9 CLB gia đình hạnh phúc, 1 CLB bình đẳng giới, 1 CLB giảm nghèo, 9 mô hình “5 không, 3 sạch”. Trong các buổi sinh hoạt CLB Ban chủ nhiệm luôn chú trọng lồng ghép công tác tuyên truyền vận động, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực gia đình như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... Ngoài ra, thông qua sinh hoạt các CLB, các thành viên còn đẩy mạnh phong trào, hoạt động văn hóa - thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống BLGĐ, hướng đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ đến các tầng lớp Nhân dân. Hiện 100% xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được các CLB gia đình phát triển bền vững; xây dựng, củng cố tổ hòa giải và hình thành các địa chỉ tin cậy, nhóm can thiệp phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, còn nhiều mô hình, CLB của Hội LHPN, đoàn thanh niên... đang hoạt động hiệu quả với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, có chất lượng tốt đã thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia, góp phần giảm thiểu số vụ BLGĐ tại địa phương.
Để tiếp tục đưa công tác phòng chống BLGĐ ngày càng đi vào chiều sâu, huyện tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả của các CLB, nhóm, mô hình phòng, chống BLGĐ, đẩy mạnh hoạt động phòng, chống BLGĐ. Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện bình đẳng giới, gia đình không có hành vi bạo lực, đối xử công bằng với con cái, không trọng nam khinh nữ, có tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư nơi sinh sống, tích cực tham gia vào các hoạt động hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình...
Ban Biên tập
LỊCH SỬ - VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT
KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÁC BAN XÂY DỰNG ĐẢNG
Cách đây 94 năm (1930 - 2024), sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Hội nghị BCH Trung ương lâm thời lần thứ nhất họp từ ngày 14/10 đến cuối tháng 10/1930 đã thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, theo đó, Điều lệ Đảng quy định: “Trung ương và các cấp ủy đảng chiếu theo các việc mà lập ra các bộ như bộ tổ chức, bộ tuyên truyền, bộ công nhân vận động...”. Do tình hình và những điều kiện cụ thể của cách mạng, sau 17 năm hoạt động, các đảng đoàn, các cơ quan chuyên môn và các chi bộ đặc biệt mới lần lượt chính thức thành lập theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 31/8/1947 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhưng trong thực tế, các hoạt động về công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận và văn phòng cấp ủy đã được hình thành ngay từ giai đoạn vận động thành lập Đảng và gắn liền với sự ra đời của Đảng.
Ban Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2024): Công tác tư tưởng luôn được Đảng ta xác định là mặt trận quan trọng hàng đầu. Ngay sau khi ra đời (1930), Ban Chấp hành Trung ương đã lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, là cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng. Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền Trung ương đã cho ấn hành tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 01/8”. Tài liệu này khi được phát hành đã có sức cổ vũ to lớn đối với Nhân dân Việt Nam, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Sau này, Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, đến năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm ngày truyền thống Ngành Ban Tuyên giáo của Đảng.
Ban Tổ chức của Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024): Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác tổ chức, coi đó là vấn đề trọng yếu liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày 14/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng đã quyết định thành lập Bộ Tổ chức kiêm Giao thông (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay). Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 14/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, công tác xây dựng Đảng đều đặt ra cho công tác tổ chức cán bộ những nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi phải được đáp ứng kịp thời. Trong các giai đoạn đó, Đảng ta đều có các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp, công tác tổ chức và cán bộ đã tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng và cách mạng đặt ra. Thông qua hoạt động thực tiễn, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu giúp Đảng củng cố, phát triển tổ chức của hệ thống chính trị và tuyển chọn được những cán bộ, đảng viên, những chiến sĩ ưu tú, trung kiên cho Đảng, cho cách mạng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Ủy Ban Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2024): Có ý nghĩa lớn đối với công tác xây dựng Đảng, chính kiểm tra làm đảng mạnh hơn, trưởng thành hơn qua những thời kỳ khó khăn. Được chọn là ngày 16/10 hằng năm gắn với sự kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) họp từ ngày 15 - 17/10/1948, ngày có Quyết nghị số 29-QN/TW của Ban Thường vụ Trung ương về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Từ đây, công tác kiểm tra Đảng có bước phát triển toàn diện, cùng với các ban xây dựng Đảng, góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Điều đáng tự hào là trong mọi thời kỳ của cách mạng, dù trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước hay thời kỳ xây dựng đất nước và kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra vẫn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh; luôn hết lòng hết sức chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta có thể khẳng định: tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật là truyền thống tốt đẹp của cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp. Ngày 16/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ủy Ban Kiểm tra Đảng.
Ban Dân Vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024): Công tác dân vận là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 87 năm qua, với các tên gọi khác nhau (Ban Công vận, Bộ Dân vận, Ban Dân vận - Mặt trận và từ 1981 đến nay là Ban Dân vận), bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận không ngừng lớn mạnh và hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Trung ương và cấp ủy các cấp trên lĩnh vực được giao. Ngày Dân vận của Đảng được Bộ Chính trị khóa VIII quyết định là ngày 15/10 gắn với 2 sự kiện quan trọng: Một là, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động,... Hai là, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949, từ đó, ngày 15/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ban Dân Vận.
Văn phòng cấp ủy (18/10/1930 - 18/10/2024): Được Đảng xác định là một cơ quan chuyên môn trực tiếp giúp cấp ủy điều hành công việc, hoạt động văn phòng được hình thành từ khi Đảng mới được thành lập. Cùng với sự phát triển của cách mạng, vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng ngày càng được tăng cường và mở rộng, chức năng của văn phòng cấp ủy cũng ngày càng được hoàn thiện. Văn phòng cấp ủy các cấp không ngừng trưởng thành, ngày càng thực hiện tốt hơn hai chức năng quan trọng là tham mưu giúp cấp ủy mà trực tiếp là giúp ban thường vụ và thường trực cấp ủy tổ chức điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ cấp ủy và phục vụ trực tiếp các hoạt động hàng ngày của cấp ủy. Ngày truyền thống của Văn phòng cấp ủy được Bộ Chính trị khóa XIII quyết định là ngày 18/10. Từ đó, hằng năm, ngày 18/10 được lấy là ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy.
Trải qua 94 năm đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng, bảo vệ đất nước và tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận và văn phòng của Đảng không ngừng được củng cố và phát triển. Được sự giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, động viên khích lệ của các cấp ủy và Bác Hồ, cùng thế hệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, hệ thống các cơ quan và đội ngũ cán bộ công tác xây dựng Đảng ngày càng trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn sinh động của quá trình trình cách mạng qua các thời kỳ và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Ban Biên tập
ĐÌNH CHÍ CƯỜNG DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT
XÃ THIỆU QUANG, HUYỆN THIỆU HÓA
Đình Chí Cường là tên mà nhân dân thường gọi theo tên làng, để phân biệt - các ngôi đình khác trong xã và huyện. Đình được dựng lên phục vụ Nhân dân hội họp và thờ cúng những người có công đối với dân làng, với đất nước.
Làng Chí Cường là tên mới ngày nay, trong tiến trình lịch sử, làng đã nhiều lần thay đổi tên gọi. Xưa kia có tên gọi là xã Lỗ Tự thuộc tổng Phùng Cầu, huyện Thụy Nguyên, ít lâu sau lại đổi thành Tự Cường. Năm 1953, xã Quang Thịnh được chia làm 3 xã gồm: Thiệu Quang, Thiệu Thịnh. Thiệu Hợp và làng Chí Cường được cắt về xã Thiệu Quang và mang tên như ngày nay.
Làng Chí Cường, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, phía Đông giáp sông Mã - xã Hoằng Khánh; phía Tây giáp xã Thiệu Hợp; phía Nam giáp xã Thiệu Thịnh; phía Bắc giáp sông Cầu Chày xã Định Công, huyện Yên Định. Từ thành phố Thanh Hóa đến di tích bằng cả đường thủy và đường bộ khoảng 30km. Xưa kia để đến được các vùng này phương tiện chủ yếu là đường thủy trên sông Mã. Xuất phát theo đường thủy, từ bến đò Hàm Rồng ngược dòng sông Mã đến ngã ba Giàng thuộc xã Thiệu Dương, đi hết Thiệu Dương qua Thiệu Thịnh là đến bến đò làng Tử xã Thiệu Quang, vượt đê sông Mã đi khoảng 600m vào đến trung tâm xã. Đình Chí Cường nằm ở trung tâm làng Chí Cường xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh hóa.
Về nhân vật thờ tại đình làng, căn cứ vào sách “Thanh Hóa chư thần lục”, sắc phong, các tài liệu chữ Hán và lời truyền ngôn của các cụ cao niên trong làng thì: Đình Chí Cường xưa kia là nơi thờ cúng bốn vị thần: Đông Hải đại vương, Châu Bảo đại vương, Đổ Lân đại vương, và Hà Tiên cung Thần nữ Quỳnh Hoa công chúa. Đó là những nhân thần, gắn với nhiều giai thoại, huyền tích giúp dân giúp nước, được dân làng ngưỡng vọng thờ cúng, báo ghi công ơn, cầu mong sự độ trì cho cuộc sống bình yên trong Nhân dân.
- Đông Hải đại vương: Ông tên là Nguyễn Phục, người xã Đoàn Tùng, huyện Gia Lộc, xứ Hải Dương. Khoa thi năm Quý Dậu niên hiệu Thái Hoà thứ 11 (1453), ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, là người hay chữ, văn võ toàn tài, không những lo việc quân cơ, ông còn tham gia việc quan ở chốn quan trường. Năm Quang Thuận thứ - 1463) đời Lê Thánh Tông khoa thi Quý Mùi ông là một trong những người tham gia giám thí kỳ thi.
Trong quảng đời làm quan, ông luôn tỏ ra là người thanh liêm ngay thẳng, luôn hoàn thành sứ mệnh của mình, được triều đình trọng dụng, sai đi sứ phương Bắc. Ông là người luôn luôn biết chăm lo cho sự an bình của Nhân dân, biết khuyên can vua làm điều tốt, lánh điều ác, được nhà vua yêu mến và khen ngợi. Chính nhờ công lao mà ông được thăng chức “Tham nghị Thừa tuyên Thanh Hoa”.
- Các nhân vật như Đô Lân đại vương, Châu Báo đại vương, Tiên cung thần nữ Quỳnh Hoa công chúa được dân làng phụng thờ, gọi là tứ vị thành hoàng trong làng, hằng năm cứ vào ngày lễ tế dân làng lại rước sắc, cầu tế cả bốn vị thần, về lai lịch tiểu sử của ba nhân vật còn lại, cho tới nay vẫn chưa tìm được cụ thể tên tuổi; các tài liệu thư tịch ghi lại chỉ dừng ở mức độ mỹ tự, không cho biết rõ tính danh. Nhưng chắc chắn những nhân vật làng Chí Cường thờ tự là những bậc thần có công và linh hiển, phò giúp cuộc sống an bình cho nhân dân, được triều đình ghi công ban tặng sắc chỉ, cho phép dân làng phụng thờ, đồng thời ban phong mỹ tự.
Qua di tích chúng ta biết thêm lịch sử vùng đất nơi đây, một vùng quê có bề dày lịch sử, truyền thống yêu quê hương đất nước của cư dân trong làng. Đình là nơi thờ các thần Hoàng làng, đồng thời đây cũng là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng.
Đây là một di tích có hệ thống kiến trúc bằng gỗ còn tương đối nguyên vẹn, những mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo đã thể hiện giá trị văn hóa về kiến trúc nghệ thuật của nhân dân ta qua từng thời kỳ. Với những giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật di tích xứng đáng công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa và Kiến trúc Nghệ thuật.
(Trích yếu: Lý lịch di tích Lịch sử - Văn hóa và Kiến trúc Nghệ thuật, năm 2007)
Thiệu Hóa ngày nay
Về thăm Thiệu hóa quê em
Anh hùng cách mạng ngày thêm đẹp giàu
Dòng sông Chu nước trong sâu
In vầng trăng bạc, in bầu trời xanh
Có cầu Thiệu hóa quê Thanh
Ngày đêm nâng bước chân anh mọi miền
Núi sông cánh của thiên nhiên
Ngàn năm tô điểm dáng duyên quê nhà
Ruộng đồng bến bãi phù sa
Quanh năm lúa tốt thơm hoa bốn mùa
Trại chuồng lơn lớn, bò to
Vịt, gà, ngan, ngỗng ăn no béo tròn
Ao hồ sâu lắm cá tôm
Chợ quê mua bán sớm hôm rộn ràng
Nhà cao tầng mọc khang trang
Điện, đường, trường, trạm ngày càng khác xưa
Trẻ, già đoàn kết thi đua
Học tập, lao động sớm trưa chuyên cần
Trường làng tiếng hát vang ngân
Tương lai con trẻ muôn phần hiển vinh
Nông thôn đổi mới đẹp xinh
Đô thị văn hóa, văn minh yêu đời
Niềm vui rạng rỡ lòng người
Miệng chào, tay bắt nụ cười thắm tươi
Đẹp thay Thiệu hóa quê tôi
Tình dân, nghĩa Đảng sáng ngời muôn xuân.
Ngọ Ngọc Thơ
Hội viên Hội thơ Đường Luật Việt Nam
![](/portal/Photos/2024-11-04/af972e8dbfadbd7dT10s.jpg)