Những hậu quả mà cuộc chiến tranh thế giới thứ hai gây ra đã thức tỉnh nhân loại về một nhiệm vụ chung là bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người, đây được xem là một nhu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế.
![](/portal/Photos/2024-12-07/f0bb8dd3c60a296dh1108.jpg)
Vì vậy, ngay sau khi được thành lập (24/10/1945), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” vào ngày 10/12/1948. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho bộ luật Nhân quyền quốc tế, gồm hai Công ước cơ bản về quyền con người (Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1966. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền vẫn là bản tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại và ngày 10/12 hàng năm được chọn làm ngày “Nhân quyền thế giới”. Hàng năm, Ngày “Nhân quyền thế giới” được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới. Nhân ngày này, nhiều tổ chức và các cá nhân bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố, thông cáo trình bày quan điểm.
Tại Việt Nam: Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, vấn đề này được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập, các bản Hiếp pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn về các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người… Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.
![](/portal/Photos/2024-12-07/cf0d4e398b05645dquyenconnguoi.jpg)
Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.
Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.
![](/portal/Photos/2024-12-07/ba6a9d6adf93aa5d11.jpg.jpg)
Tại huyện Thiệu Hóa đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống của người dân và đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai tốt các biện pháp phòng ngừa, chủ động phát hiện, đấu tranh các âm mưu, hoạt động của số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, số đối tượng phản động lợi dụng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá; các vụ đình công, lãn công, khiếu kiện đông người trên địa bàn huyện đảm bảo tính mạng, sức khỏe và các quyền cơ bản của công dân./.