BẢN TIN NỘI BỘ THÁNG 8 NĂM 2024

Đăng ngày 09 - 09 - 2024
100%

 

 

HƯỚNG DẪN - CHỈ ĐẠO

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CHO VAY

HỌC SINH, SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN NĂM HỌC 2024-2025

 

Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Từ ngày 01/8/2024, để tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh, sinh viên (HSSV) có tiền trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thiệu Hóa tiếp tục thực hiện cho vay chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện năm học 2024-2025.

Về đối tượng vay vốn: HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường Đại học (hoặc tương đương đại học), Cao đẳng, Trung cấp, Trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu đủ điều kiện đều được vay vốn tại NHCSXH gồm: (1) HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; (2) HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật và học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, hiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, thị trấn nơi cư trú.

* Về điều kiện vay vốn: HSSV đang sinh sống trong hộ gia đình, cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay, có đủ các tiêu chuẩn vay vốn nêu trên. Đối với HSSV năm thứ nhất phải có giấy báo nhập học phô tô công chứng hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có giấy xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

* Mức cho vay: Mức vay vốn tối đa là 4.000.000 đồng/ tháng/HSSV (tối đa 40 triệu đồng/năm học); Lãi suất vay: 6,6%/năm (0,55%/tháng).

 * Về phương thức cho vay: Việc cho vay đối với HSSV được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ NHCSXH. Trường hợp HSSV mồ côi cả ca lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở.

NHCSXH huyện Thiệu Hóa cùng với chính quyền địa phương, các Hội, Đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn đảm bảo các gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng HSSV. Thực hiện giải ngân nhanh chóng, kịp thời giúp HSSV giải quyết một phần các khoản đóng góp với nhà trường và chi phí trong sinh hoạt, học tập, tiếp tục viết tiếp ước mơ tới trường. Các Hộ gia đình có nhu cầu vay vốn liên hệ với Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý thôn, khu phố nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Đề nghị chính quyền địa phương quan tâm bổ sung kịp thời danh sách hộ gia đình thuộc đối tượng trên địa bàn theo quy định để NHCSXH làm căn cứ cho vay. Phấn đấu không để trường hợp nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí.   

Lê Gia Tuân

Phó GĐ NHCSXH

 

TIN TỨC -  SỰ KIỆN NỔI BẬT

NHỮNG LÀNG QUÊ CÁCH MẠNG XỨ THANH NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ:

ĐỒNG MINH - ĐỒNG CHÍ - ĐỒNG BÀO - TÊN ĐẤT, TÊN LÀNG GẮN LIỀN VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG

 

Những ngày thu tháng 8, về lại vùng quê cách mạng xã Thiệu Minh xưa - nay là thị trấn Hậu Hiền (Thiệu Hóa). Như sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những tên đất, tên làng của vùng đất nằm bên hữu ngạn sông Chu này lại gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương, đất nước cách đây 79 năm.

Ngược dòng lịch sử, theo dòng chảy của thời gian, cương vực hành chính của Thiệu Minh giống như làng xã của Việt Nam đã diễn ra nhiều biến động. Từ khi thành lập, Thiệu Minh có 3 làng nằm liền kề nhau dọc theo triền đê sông Chu, lần lượt từ thượng nguồn về là Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh.

Làng Đồng Bào được thành lập cách đây khoảng trên 500 năm, do một số hộ dân của làng Cựu Thôn, Toán Thành thuộc xã Thiệu Toán ra lập trang ấp riêng. Có lịch sử phát triển lâu đời, chắc chắn làng Đồng Bào đã nhiều lần thay đổi tên gọi. Trước Cách mạng Tháng Tám làng có tên là Ngô Xá Thượng. Từ xưa dân làng Đồng Bào là một quần cư, Nhân dân đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống. Trước Cách mạng Tháng Tám, cùng với các làng Đồng Minh, Đồng Chí, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Đồng Thanh, Nhân dân làng Đồng Bào đã tích cực tham gia phong trào cách mạng. Tại đây đã thành lập được các hội quần chúng như nông hội đỏ, hội lợp nhà, hội đánh tranh, hội thể thao, hội cắt tóc ngắn... Đây là tiền thân của các tổ chức cách mạng sau này, nhờ vậy mà các phong trào cách mạng ở đây phát triển tương đối sớm.

Tương tự, Đồng Minh là một làng cổ. Trước kia làng có tên là làng Hà Xá. Do gần hệ thống nông giang nên sản xuất nông nghiệp ở Đồng Minh tương đối thuận tiện. Từ xưa đến nay, đời sống kinh tế của Nhân dân trong làng chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Giống với các làng Đồng Chí, Đồng Bào, ngay từ những ngày phong trào cách mạng còn trong trứng nước, làng Đồng Minh đã có những thanh niên tiến bộ tiếp thu ánh sáng của Đảng nhem nhóm, xây dựng phong trào cách mạng ở quê hương. Phong trào cách mạng lúc thăng, lúc trầm nhưng dân làng Đồng Minh không quản hy sinh, gian khổ, một lòng theo Đảng tiến hành các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến tới lật đổ chế độ thực dân phong kiến, góp phần vào mùa thu cách mạng trên quê hương Thanh Hóa.

Như chạm vào lịch sử, đình Ngô Xá Hạ của làng Đồng Chí xưa (nay là khu phố Đồng Chí) nhuốm màu rêu phong, khoác lên mình sự khác biệt với kiến trúc của Pháp. Trên bia đá trong khuôn viên ngôi đình có ghi lại, cách đây khoảng trên 500 năm về trước làng được hình thành trên khu đất cồn Đông. Trước kia làng Đồng Chí có tên là Ngô Xá Hạ. Và nhắc đến Ngô Xá Hạ là nói đến làng quê có truyền thống cách mạng. Từ trong đêm trường nô lệ, Nhân dân Ngô Xá đã đứng lên chống lại cường quyền, áp bức. Nhiều phong trào cách mạng của huyện Thiệu Hóa và tỉnh Thanh Hóa được khởi xướng từ đây. Nhiều người con của làng đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng. Bởi vậy, làng Đồng Chí cùng với làng Đồng Bào, làng Đồng Minh được coi là cái nôi của phong trào cách mạng của Thanh Hóa.

Bên ngôi đình gần 100 năm tuổi, ông Hoàng Đình Bình - người con trai cụ Hoàng Đình Bách, lão thành cách mạng khu phố Đồng Chí, cho biết: "Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Đồng Chí. Từ nhỏ, tôi đã được nghe bố và các cụ kể lại rằng, đình Ngô Xá Hạ được xây dựng năm 1924, đến năm 1925 thì hoàn thành. Ngôi đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng chống bắt phu, bắt lính, chống bọn phản động, trừng trị bọn chức sắc ác ôn, chống giặc Nhật cướp lương thực, thực phẩm của các chiến sĩ cách mạng, quần chúng Nhân dân làng Ngô Xá Hạ với khí thế sục sôi. Trong những ngày sục sôi giành chính quyền ở phủ lỵ Thiệu Hóa, đình là nơi tập hợp lực lượng quần chúng Nhân dân trong làng, trong tổng tham gia cướp chính quyền ở Thiệu Hóa vào đêm ngày 18/8, rạng sáng 19/8/1945".

Như lời nhắn nhủ gửi đến thế hệ hôm nay, trên bức tường bao của đình Ngô Xá Hạ, bức tranh bích họa về sự kiện sáng ngày 23/8/1945, trên 3.000 tự vệ chiến đấu của các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, đội ngũ chỉnh tề rầm rộ xuất phát từ đình làng do đồng chí Hoàng Tiến Trình (lão thành cách mạng người làng Ngô Xá Hạ) chỉ huy kéo về thị xã Thanh Hóa dự lễ ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Nhìn bức tranh với dòng người trên tay cờ Tổ quốc, súng, gậy gộc, dáo, mác... có lẽ đã phác họa đậm nét “ngọn đuốc cách mạng” của cha anh năm xưa. Đình cũng là nơi dạy học của Trường dự bị Đại học Nguyễn Thượng Hiền thuộc khu 3 sơ tán vào Thanh Hóa giai đoạn 1953 - 1955. Đình được công nhận di tích cách mạng năm 1990.

Hiện nay, ngôi đình còn lưu giữ “báu vật” của làng, đó là Bằng khen của Chính phủ ghi nhận làng có công với nước. Cẩn thận lau tấm bằng khen, ông Hoàng Văn Sinh, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Đồng Chí cho biết: "Tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông, những năm qua cán bộ và Nhân dân trong khu phố luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương đổi mới. Nổi bật, trong phát triển kinh tế Nhân dân áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao".

Cùng với việc quy hoạch 2 ha vùng màu, người dân còn du nhập một số nghề mới như làm mây giang xiên, nối mi, phát triển dịch vụ thương mại. Vì vậy, đời sống kinh tế của người dân khu phố Đồng Chí không ngừng được nâng cao, với thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện đóng góp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống đường giao thông ở khu phố Đồng Chí 100% được bê tông hóa, nhựa hóa. Đặc biệt, bằng “lòng dân - sức dân” các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân được đầu tư xây dựng khang trang.

Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào, mỗi tên đất, tên làng nơi đây đã thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của cha anh trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Bước vào chặng đường mới, “ngọn đuốc cách mạng” vẫn sáng soi để Nhân dân 3 làng viết tiếp trang sử vàng của quê hương. Nổi bật vào năm 2019, cả 3 thôn Đồng Minh, Đồng Chí, Đồng Bào đã về đích NTM. Cùng với đó, trong phát triển kinh tế - xã hội, các chi bộ đã đưa ra chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực với tình hình thực tế tại địa phương được mọi người dân đồng tình ủng hộ cao. Ví như ở thôn Đồng Bào đã quy hoạch được 12 ha vùng chuyên màu, trong đó có 3 ha vùng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; 2.000 m2 nhà màng trồng dưa kim hoàng hậu...

Đến đầu tháng 2/2024, khi thị trấn Hậu Hiền được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Minh Tâm cũ, Đảng bộ thị trấn bắt tay ngay vào việc lãnh đạo Nhân dân xây dựng đô thị văn minh, khu phố kiểu mẫu.

Về vùng quê cách mạng Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào những ngày này, càng thấy tự hào hơn khi nơi đây đang đổi thay từng ngày với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Phát huy truyền thống cách mạnh của quê hương, cán bộ và Nhân dân 3 khu phố tiếp tục “chung lưng đấu cật” đưa Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào trở thành phố kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

Thu Thủy

 

THIỆU HÓA: SÔI NỔI PHONG TRÀO HIẾN ĐẤT LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

 

Hiến đất làm đường giao thông đã trở thành phong trào rộng khắp, được Nhân dân trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đồng tình ủng hộ, nhất trí cao, tạo sức lan tỏa. Để có được niềm tin, sự chung sức, đồng lòng tham gia của người dân, ngay từ khi có chủ trương nâng cấp mở rộng đường giao thông, các địa phương trong huyện đều tổ chức họp bàn công khai chủ trương này trong toàn hệ thống chính trị từ các ban ngành, đoàn thể đến các hộ dân trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Một số địa phương làm tốt như xã Tân Châu, Thiệu Quang, Thiệu Vận, Thiệu Giang…

Theo đó, Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, Nhân dân toàn huyện đã hiến đất để mở rộng đường giao thông là 54.871m2, góp 103,51 triệu đồng; 47.662 ngày công; cải tạo nâng cấp 98,66km đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng, trong đó thảm nhựa 31,69km; xây dựng 215km tường mẫu; làm mới, nâng cấp 76,9km đường điện chiếu sáng; trồng hơn 76km đường hoa, hàng rào xanh; xây dựng hơn 6.000 bể phân loại rác thải sinh hoạt; xây dựng mới, nâng cấp 85 nhà văn hóa thôn...

Có thể thấy, những năm qua phong trào xây dựng NTM ở huyện Thiệu Hóa đã trở thành phong trào rộng khắp. Nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí cao trong Nhân dân, xây dựng Nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thực sự sôi động và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực từ các tổ chức, cá nhân trong huyện cũng như con em xa quê. Trong quá trình triển khai vận động xây dựng NTM, công sức của đông đảo người dân trên địa bàn huyện cùng với Nhà nước đã làm nên nhiều con đường giao thông liên thôn, liên xã phong quang, sạch đẹp, nhiều công trình phúc lợi to đẹp, khang trang.

Đơn cử như tại xã Thiệu Quang là xã về đích NTM muộn của huyện Thiệu Hóa, nhưng lại được giao xây dựng NTM nâng cao vào năm 2024. Thực hiện chủ trương phát triển mạng lưới giao thông, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã tình nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để nâng cấp, mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã. Năm 2022, xã làm tuyến đường điểm từ UBND xã đến cầu vượt Xuân Quang gần 400m. Sau này người dân hiến đất đến đâu làm đến đó, nên phòng trào ngày càng diễn ra sôi nổi rầm rộ ở tất cả các thôn, ngõ xóm.

Đáng chú ý, trước đây đường làng có bề rộng từ 2,5m, có những ngõ chỉ rộng 1,2m đến nay đã mở rộng ra được 4m. Tính đến nay xã đã vận động Nhân dân hiến được 3.437,7m2 đất (trong đó có 688m2 đất nông nghiệp, còn lại là đất ở), điển hình như nhà bà Trần Thị Thái ở thôn Chí Cường 1 đã hiến 40m2 đất ở, ông Nguyễn Ngọc Nai thôn Nhân Cao 1 đã hiến 38m2 đất ở để mở rộng đường giao thông. Đặc biệt các hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp xây dựng lại cảnh quan, làm tường rào, đổ bê tông, rảnh thoát nước, đồng thời di rời cây cột điện vào lề đường. Đối với các hộ hiến đất làm đường có hoàn cảnh khó khăn thì sau khi gia đình hiến đất ở, xã huy động mỗi 1 cán bộ ủng hộ 1 ngày công, kêu gọi thêm các con em xa quê, người dân trong ngõ đó đóng góp ủng hộ xây lại tường rào và xây lại cổng. Tính đến nay xã Thiệu Quang đã thảm nhựa Aphan được 2 tuyến đường gần 4km và đưa vào sử dụng được 1,2km; các trục đường trong thôn, ngõ đã được bê tông hóa. Hiện nay, xã đã hoàn thành được công nhận 3/6 thôn kiễu mẫu (thôn Chí Cường 3, Nhân Cao 1 và thôn Nhân Cao 2).

Một người dân thôn Chí Cường 3, xã Thiệu Quang chia sẻ: “Đối với người nông dân, tấc đất là tấc vàng nhưng tôi xác định làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ việc đi lại của gia đình mình, người dân trong thôn, trong xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ngay khi được xã tuyên truyền về dự án, tôi đã nhất trí cao về chủ trương và đồng tình hiến đất, phá tường rào, cổng, cắt cây để làm đường và tự nguyện xây dựng lại tường rào, cổng ngõ nhà tôi”.

Đồng chí Đỗ Viết Tứ - Chủ tịch UBND xã Thiệu Quang cho biết: “Ban đầu, công tác tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn do đất đai là tài sản giá trị lớn, việc hiến tặng một phần đất cha ông để lại cũng là điều trăn trở của không ít người. Tuy nhiên, sau nhiều lần gặp gỡ vận động, giải thích đã tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân. Chúng tôi rất vui mừng khi được Nhân dân đồng thuận. Nếu không có sự chung tay của người dân thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường cực kỳ khó khăn. Sự đóng góp của người dân đã góp phần quan trọng giúp các tuyến đường giao thông của địa phương tiếp tục được mở rộng và nối dài”.

Những con đường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp với sự đóng góp tích cực của người dân không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp việc đi lại thuận tiện mà còn mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Thiệu Hóa đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025./.

Nguồn: Báo Việt Nam và Hội nhập

 

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH

PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM  SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

 

CÔNG AN HUYỆN THIỆU HÓA ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN,

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Với quyết tâm lập lại trật tự trong hoạt động khai thác khoáng sản, Công an huyện Thiệu Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý, đồng thời kiên quyết xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

Hiện trên địa bàn huyện có 7 điểm mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND tỉnh cấp phép hoạt động (có 5 điểm mỏ sông Chu và 2 điểm mỏ sông Mã); có 9 bãi tập kết cát và 4 mỏ khai thác đá (1 mỏ hết hạn khai thác, hiện đang hoàn thiện thủ tục hoàn trả) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác và cho thuê đất phục vụ công tác khai thác khoáng sản.

Để chủ động phòng ngừa hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn, thời gian qua, Công an huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tổ chức ký cam kết đối với các chủ cơ sở kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng, các chủ tàu, thuyền chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, khai thác cát, sỏi. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là các hộ dân sống ven tuyến sông về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đặc biệt, công an huyện thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện tuyên truyền, vận động các chủ mỏ lắp đặt hệ thống trạm cân điện tử, camera giám sát xe ra vào, cam kết múc cát, sỏi thùng xe không quá tải trọng, đảm bảo vệ sinh môi trường mới cho xe xuất bến...

Bên cạnh đó, Công an huyện Thiệu Hóa cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào những khu vực giáp ranh, điểm phức tạp về khai thác khoáng sản trái phép; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Cùng với đó, nhắc nhở các chủ mỏ chấp hành nghiêm việc cắm phao tiêu, xác định ranh giới mỏ, thực hiện nghiêm việc khai thác cát trong phạm vi mỏ đã được cấp phép; đồng thời lập chốt, căng chòi, cử cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ để truy quét cát tặc. Ngoài ra, lực lượng công an huyện còn lập đường dây nóng và công khai số điện thoại để Nhân dân tố giác kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tham mưu cho chủ tịch UBND huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an huyện Thiệu Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 3 vụ, 7 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép tại sông Chu thuộc địa phận các xã Thiệu Toán, Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa; tham mưu cho chủ tịch UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tang vật vi phạm nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền gần 800 triệu đồng.

Thời gian tới, Công an huyện Thiệu Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác, chế biến khoáng sản; tiếp tục mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát tại các mỏ khai thác đã được cấp phép; kiến nghị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các mỏ vi phạm, không đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện khai thác cát trái phép, các chủ phương tiện vận chuyển, khai thác thực hiện không đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ... không để tình trạng các phương tiện, bến bãi hoạt động vi phạm luồng, tuyến ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đê, kè, công trình thủy lợi, công trình giao thông trên tuyến đường thủy.                                                                                                                           

                                                               Quốc Hương

 

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

6 ĐIỀU BÁC HỒ DAHY CÔNG AN NHÂN DÂN:Ý NGHĨA GIÁO DỤC SÂU SẮC, RỘNG LỚN VÀ BỀN VỮNG 

Công an nhân dân (CAND) Việt Nam là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước; lực lượng làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;…Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát, cụ thể đối với CAND.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tư cách người Công an cách mạng khi Đảng Cộng sản đã cầm quyền và Nhà nước cách mạng đã trải qua 3 năm xây dựng, phát triển và đang tổ chức sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của toàn dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới. CAND là lực lượng quan trọng trong bộ máy Nhà nước cách mạng góp phần vào sự nghiệp vẻ vang đó. Công an cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu xây dựng gắn liền với sự ra đời của Nhà nước cách mạng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Vì vậy, tư cách của người Công an cách mạng thống nhất về bản chất trong tư cách của người cách mạng, người cộng sản, người cán bộ, công chức của một Nhà nước cách mạng kiểu mới - Nhà nước phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu CAND phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, CAND phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an, phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Người chỉ rõ: “... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Chuẩn mực đạo đức của người Công an cách mạng thống nhất với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, người cán bộ, công chức của Nhà nước, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng của công tác Công an. CAND là lực lượng có nhiệm vụ cao cả, nặng nề là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân, chống các thế lực phản động, thù địch và các loại tội phạm, giữ gìn ANQG và TTATXH. Nhiệm vụ đó không chỉ là bảo vệ mà còn có ý nghĩa xây dựng xã hội mới, tạo dựng đời sống xã hội tốt đẹp. Ở mỗi thời kỳ cách mạng, kể cả trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiệm vụ đó không hề giảm nhẹ, đòi hỏi người Công an cách mạng không ngừng nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với việc xây dựng CAND về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời như đã nêu trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND về tư cách người công an cách mệnh. Lực lượng CAND được tôi luyện qua các thời kỳ cách mạng đã trở thành đội ngũ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, trung thành vô hạn với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Người căn dặn lực lượng CAND, trong công tác, chiến đấu phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác là, “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”; Chủ động phòng ngừa, tích cực tiến công; “cảnh giác giữ bí mật”; “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu”; “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng”; phải sử dụng thành thục, chính xác các phương tiện kỹ thuật... Đây chính là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Có thể thấy, những lời dạy quý báu của Người được triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc và trở thành một phong trào thi đua lớn, được phát động rộng rãi trong toàn lực lượng CAND - Phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mệnh có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của CAND. Suốt 79 năm qua, 6 điều Bác dạy luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động của cán bộ chiến sĩ CAND cả nước nói chung và Công an huyện Thiệu Hóa nói riêng. Từ phong trào thi đua học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy đã xuất hiện rất nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, lập công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Cho đến hôm nay, những lời dạy quý báu của Người vẫn tươi nguyên giá trị, bởi nội dung, ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an. Đó là những phẩm chất không thể thiếu, là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội sẽ rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi lực lượng CAND phải nỗ lực cố gắng vượt bậc, nêu cao bản lĩnh chính trị, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân, không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Để 6 Điều bác Hồ dạy CAND thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Một làtiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đến từng cán bộ chiến sỹ CAND; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện làm theo sát thực, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc làm theo, nêu gương của CBCS làm thước đo kết quả học tập và làm theo gương Bác Hồ. 

Hai là, tiếp tục nêu cao vai trò của cấp ủy, thủ truởng đơn vị trong thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy CAND, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, chú trọng làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày của mỗi đơn vị, cá nhân. Coi trọng vai trò tiên phong, gương mẫu, nêu gương “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong toàn lực lượng.

Ba là, tăng cường phối hợp, tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và 6 điều Bác Hồ dạy CAND nói riêng vào các dịp lễ trọng đại của đất nước và ngày truyền thống của lực lượng CAND (19-8). 

                                                                 Ban Biên tập

LAN TỎA PHONG TRÀO TUỔI TRẺ THIỆU HÓA HỌC VÀ LÀM THEO BÁC 

Những năm qua, tuổi trẻ huyện Thiệu Hóa không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Từ đó xuất hiện nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nói riêng và trong xã hội nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để việc học và làm theo Bác đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện đoàn Thiệu Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở đoàn và ĐVTN đăng ký các nội dung làm theo Bác ở tập thể cũng như từng cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học và làm theo Bác bằng nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo, bắt nhịp với xu thế hiện đại, phù hợp với giới trẻ. Cụ thể duy trì đều đặn chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên website: tuoitrethieuhoa.vn, hệ thống truyền thanh và trang mạng xã hội facebook từ huyện đến cơ sở. Qua đó giới thiệu những lời dạy và câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ; thông tin về những hoạt động nổi bật của các cơ sở đoàn; những gương điển hình của các tập thể, cá nhân cũng được chia sẻ thường xuyên. Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt, mô hình hay trong ĐVTN. Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng mọi mặt của công tác Đoàn.

Cùng với đó, với khẩu hiệu hành động: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Huyện đoàn Thiệu Hóa đã triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi làm theo Bác trong ĐVTN được các cơ sở đoàn thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu như tại đoàn xã Thiệu Long, trên cơ sở hướng dẫn của Huyện đoàn, ban thường vụ đoàn xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động ĐVTN ươm cây giống để trồng tại các tuyến đường trong khu dân cư; tuyên truyền đoàn viên thực hiện tốt xã hội hóa để vẽ các tuyến đường bích họa tuyên truyền về NTM kiểu mẫu với tổng chiều dài hơn 1.000m; xây dựng 8 khu vui chơi tại 6 thôn, trị giá trên 45 triệu đồng/1 khu vui chơi...

Trong những năm qua, Tuổi trẻ huyện Thiệu Hóa luôn xác định việc học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hằng năm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Vì vậy, để thêm nhiều công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa, cùng với việc đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt đoàn, hội, đội các cấp, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn duy trì giao ban hằng tháng và báo cáo với Huyện đoàn về những kết quả đạt được; nêu lên tồn tại, hạn chế để tìm hướng tháo gỡ những khó khăn. Qua đó đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần tham gia XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đô thị văn minh.                                                                   

Nổi bật, từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Huyện Đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn xung kích, tình nguyện đăng ký, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua triển khai thực hiện các phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” và hoạt động của các câu lạc bộ “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, “Thanh niên xung kích bảo vệ dòng sông quê hương”. Kết quả, từ đầu năm đến nay, các cơ sở đoàn toàn huyện đã đảm nhận thực hiện 24 công trình và các phần việc thanh niên với sự tham gia của hơn 3.000 ĐVTN, tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Tiêu biểu, các công trình thanh niên là xây dựng được 1 khu vui chơi cho thiếu nhi, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao, vận động thể chất ngoài trời; vẽ 2 tuyến đường tranh bích họa; 3 tuyến cột điện nở hoa, 5 tuyến đường cây thanh niên tại các xã: Thiệu Phúc, Thiệu Vũ, Thiệu Giang, Thiệu Thịnh, Thiệu Giao... với gần 1.500 cây xanh được trồng mới.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng, sáng kiến sáng tạo”, tích cực vận động ĐVTN chia sẻ được 230 ý tưởng, sáng kiến qua cổng thông tin “Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam”. Đặc biệt, chào mừng Tháng Thanh niên 2024, Huyện đoàn đã ra mắt công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong quảng bá các di tích lịch sử, văn hóa” - mã QR Code thông tin về các di tích lịch sử, văn hóa với hàng chục mã đặt tại khuôn viên các khu di tích lịch sử: đền thờ và khu mộ nhà sử học Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung; khu di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967-1973) xã Thiệu Viên và đền thờ họ Vương, xã Thiệu Tiến... Các hoạt động tuyên dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiên tiến làm theo lời Bác được tổ chức thường xuyên và được gắn với các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của Đảng, của Đoàn, của quê hương, đất nước.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng giáo dục đạo đức, lối sống; tạo chuyển biến tích cực trong công tác, sinh hoạt, lao động, học tập của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, gương mặt trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng lớp thanh niên trong huyện thời kỳ mới “tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”, năng động, sáng tạo, vượt khó, dám nghĩ, dám làm, góp phần cùng huyện trong quá trình về đích NTM nâng cao vào năm 2025.

                                                                Ban Biên tập

 

THÔNG TIN - TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

NHỮNG KẾT QUẢ TRONG 3 NĂM THỰC HIỆN VIỆC HIẾN ĐẤT

MỞ RỘNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG Ở THỊ TRẤN THIỆU HÓA

Thời gian qua, thị trấn Thiệu Hóa luôn khẳng định được vị trí vai trò là đô thị hạt nhân đầu tầu của huyện thiệu hóa. Thành tựu nồi bật của thị trấn Thiệu Hóa không chỉ phát triển nhanh về kinh tế với tốc độ tăng trưởng ở mức cao và ổn định mà còn chú trọng phát triển kinh tế hài hoà cân đối các mặt về kinh tế, văn hóa và môi trường sống. Chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, không gian đô thị, quy mô và diện mạo đô thị ngày càng khang trang hơn, bộ mặt kiến trúc đô thị được cải thiện tích cực, có nhiều công trình đã được chỉnh trang, xây dựng với quy mô hiện đại, đáp ứng nhu cầu mỹ quan, thân thiện với môi trường.

 Là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của huyện thị trấn Thiệu Hóa được thành lập trên cơ sở xác nhập từ quy mô của thị trấn, Thiệu Đô và Thiệu Phú, nơi có lợi thế về giao thông, có quốc lộ 45 và Sông Chu đi qua, nhiều hộ tư thương, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, thị trấn Thiệu Hóa đã phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn  phấn đấu vươn lên và giành được nhiều thắng lợi quan trọng: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, bền vững, văn hóa - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được tăng cường, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Từ năm 2022 đến nay, cùng với việc xây dựng và phát triển các tiêu chí về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí kiểu mẫu, thị trấn Thiệu Hóa đã đạt được kết quả toàn diện các phong trào thi đua, trong đó phải kể đến việc phát động phong trào “Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông đô thị theo hướng hiện đại, văn minh” trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.

Đảng ủy thị trấn ban hành Nghị quyết lãnh đạo và thành lập Ban Chỉ đạo, UBND ban hành kế hoạch, HĐND ban hành Nghị quyết về hỗ trợ Nhân dân đổ bê tông các tuyến đường, xây dựng lại tường rào mẫu, apphalt nhựa, điện chiếu sáng, lát vỉa hè, làm rãnh thoát nước. Trên cơ sở đó các chi bộ khu phố ban hành Nghị quyết triieenr khai rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện.

 Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ thị trấn đến các khu phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện của từng khu phố. Nội dung tuyên truyền với mục đích, ý nghĩa, cách làm theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “dễ làm trước, khó làm sau”, gắn với công tác dân vận khéo “đi từng ngõ, đến từng nhà, vận động từng người”; đồng thời thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, qua đó đã phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tự nguyện tích cực tham gia hiến đất, tháo dỡ các công trình mở rộng đường giao thông trong khu dân cư, từng bước xây dựng khu phố kiểu mẫu, khu phố thông minh và xây dựng đô thị hiện đại.

Đến nay thị trấn Thiệu Hóa đã có 511 hộ tham gia hiến đất, với diện tích là 5,132m2. Nhiều khu phố đã có cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả cao, với phương châm: dễ làm trước, khó làm sau, tạo lòng tin, phấn khởi trong Nhân dân. Tiêu biểu như: khu phố 4 đã có 32 hộ hiến 385,6mđất ở đường Kiến Hưng 1., trong đó hộ ông Lê Minh Châu đã tự nguyện phá dỡ tường rào, cổng ngõ kiên cố và hiến 45m2 đất ở để mở rộng đường. Khu phố 5 đã vận động được 20 hộ hiến được 230m đất  mở rộng đoạn thắt đường Nguyễn Quang Minh, hộ ông Trịnh Xuân Mùi khu phố 1 đã hiến 100m2 đất để mở thông đoạn ngõ cụt, hộ ông Nguyễn Đình Giới khu phố Thuận Tôn hiến 32m2; Hộ ông Lê Văn Nho, Phú Thịnh hiến 33m2;  hộ ông Nguyễn Văn Trữ  khu phố Tra Thôn hiến 33m2;  hộ ông Trần Huy Đại, khu phố Đỉnh Tân hiến 36m2; hộ bà Lê Thị Ý, khu phố 13 đã tự nguyện phá dở tường rào, bếp nấu, nhà vệ sinh kiên cố và hiến 15m2 đất ở;  ngõ 5 khu phố 2 đã đoàn kết thống nhất đầu tư thảm nhựa, lát đá vỉa hè, vẻ tranh bích hoạ, trồng cây xanh, kinh phí lên đến hơn 400 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Gái khu phố 12 đã tự nguyện phá bỏ tường rào và hiến 49,5m2 để mở rộng và thông tuyến đường dân sinh giáp chân đê. Khu phố Ba Chè đã vận động 57 hộ ở đường 515 hiến được 679,5m2, đường vào công ty may 10 có 28 hộ hiến được 286m2, trong phong trào này có gia đình ông Lê  Huy Ân đã gương mẫu đi đầu và tự nguyện phá dỡ nhà tắm, nhà vệ sinh và hiến trên 20m2 đất ở, hộ ông Nguyễn Công Hoà phá bỏ bức long cốt nhà ở hiến gần 30m2 đất để mở rộng đường, hộ ông Nguyễn Bá Nhiên ở ngày đầu cua Ngã Ba Chè đường 515 đã phá dỡ nhà tắm, sàn tầng 1, cửa chính nhà ở hiến gần 30m2 đất ở và còn rất nhiều hộ nhân dân ở các tuyến đường và các khu phố khác đồng tâm nhất trí phá bỏ công trình, hiến đất để mở rộng đường, chỉnh trang giao thông đô thị làm thay đổi rõ nét diện mạo quê hương.

Qua rà soát các tuyến đường ở các khu phố để có cơ chế hỗ trợ đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng đường giao thông theo Nghị quyết HĐND thị trấn, đến nay thị trấn Thiệu Hóa đã vận động nhân dân bê tông 4.427,5m; Asphalt nhựa 9.632m đường giao thông..Tiêu biểu như khu phố 2, 3, 13, Ba Chè, Thuân Tôn, Ngọc Tỉnh,… Thị trấn Cũng đã sửa chữa và xây mới được 6.923m dài tường rào mẫu. Tiêu biểu như khu phố Bá Chè, Tra Thôn, Phú Thịnh. Nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, làm thay đổi diện mạo quê hương. Đến nay, toàn thị trấn đã lắp đặt 11.572m đường điện chiếu sáng đô thị. Tiêu biểu như: Khu phố 13, Ba Chè,  Thuận Tôn, Phú Thịnh, Ngọc Tỉnh, Vĩnh Điện.

Song song với việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông, nhiều khu phố đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện phong trào làm đường hoa, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh. Đến nay, toàn thị trấn 5,249 mét đường hoa và cây xanh. Tiêu biểu như:  Ngọc Tỉnh, Tra Thôn, các đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến bình, Đoàn thanh niên…

Qua 03 năm phát động phong trào “Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn, đô thị theo hướng hiện đại văn minh” trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa đến nay đạt được kết quả nổi bật: Một số tuyến đường nhỏ hẹp đã được Nhân dân đóng góp hiến đất mở rộng, xây dựng thành những tuyến đường mẫu, rộng hơn, tường rào mẫu đồng bộ, đặt chậu hoa, cây cảnh bên đường, điện chiếu sáng đảm bảo tiêu chuẩn, asphalt nhựa trên nền bê tông, nhiều tuyến ngõ còn thấp trũng được nhân dân nâng cấp đổ bê tông khang trang sạch đẹp.

Đạt được được kết quả đó là do có sự  lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền vận động của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tinh thần đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được phát huy; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, được thực hiệncó hiệu quả; huy động xã hội hóa được nhiều nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư xây dựng; tạo ra cảnh quan điểm nhấn “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, làm thay đổi căn bản về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa../ 

                                                                Thanh An

 

LỊCH SỬ - VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH HẦM LÀM VIỆC VÀ CHỈ HUY CỦA ĐỒNG CHÍ NGÔ THUYỀN

Xã Tân Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Thiệu Châu và Thiệu Tân. Nằm soi bóng bên hữu ngạn sông Chu, dọc theo núi Đọ, nơi đây vẫn lưu giữ được cảnh sắc tiêu biểu của làng quê Bắc Bộ, các giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, thấm đẫm truyền thống cách mạng. Trên địa bàn xã hiện còn lưu lại nhiều di tích ghi dấu sự kiện quan trọng của xứ Thanh từ kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Trong đó, căn hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền gợi lên bao điều...

Đồng chí Ngô Thuyền (1910-1994), tên thật là Ngô Văn Tuyển, sinh ra và lớn lên tại làng Tân Bình, xã Thiệu Ngọc. Ông mồ côi cha từ sớm, tuổi thơ là những tháng ngày thiếu khó cùng mẹ bươn chải nhiều công việc nặng nhọc. Truyền thống quê hương cùng gian khó đời thường đã bồi đắp, rèn luyện tính cách cương trực, bản lĩnh, dám nói dám làm. Ông là người sớm giác ngộ cách mạng, được tôi luyện trong phong trào đấu tranh quần chúng, trưởng thành từ cơ sở. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được giao nhiệm vụ xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Ông Ngô Thuyền có 2 lần làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đều là những giai đoạn mà Đảng bộ, Nhân dân phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Cuối năm 1963 đầu năm 1964, khi Trung ương điều ông trở lại Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh là thời điểm miền Bắc chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất. Lúc bấy giờ, Thanh Hóa là một trọng điểm đánh phá, “tọa độ lửa”.

Căn hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền được xây dựng trong thời kỳ ông nhận lệnh của Trung ương đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hóa. Hầm được xây dựng trên núi Đồng Chài (Đồng Mồ), Thiệu Hóa. Theo khảo sát bước đầu, hầm có độ sâu 5m, bố trí 3 cửa dẫn vào vị trí trung tâm, đường hầm rộng 1m... Mặt bằng trên nắp hầm rộng khoảng 100m2. Trước đây, trên nắp hầm đắp đất trồng tre, luồng để ngụy trang.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian cũng như mưa bom, bão đạn của quân thù nhưng căn hầm vẫn đứng vững, an toàn trong sự chở che, bảo vệ của bà con nơi đây. Hiện nay, toàn bộ di tích hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền đều nằm trong nhà dân; trong đó có 1 cửa thuộc địa bàn xã Tân Châu, 2 cửa nằm trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Chí, bà Hoàng Thị Thắm (69 tuổi, tiểu khu 2, thị trấn Thiệu Hóa) đã quá quen với việc khách lạ đến hỏi han, tìm hiểu, thu thập tư liệu, hình ảnh về 2 cửa hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền trong vườn nhà. Bà Thắm vui vẻ kể chuyện: “Gia đình nhà tôi đã 4 đời sinh sống trên mảnh đất này. Trước đây, đất nơi này vốn nằm trên địa bàn xã Thiệu Châu cũ, sau quá trình phân chia địa giới hành chính, nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa”.

Vừa vui chuyện bà Thắm vừa dẫn chúng tôi đi vào vườn, nhiệt tình lấy cuốc dọn hết cây cỏ mọc phía ngoài miệng hầm. Bà Thắm cho biết: Trước đây, căn hầm được cải trang, che mắt quân địch bằng cách đắp mô đất cao, trồng tre xung quanh. Miệng hầm không mở như bây giờ mà có cửa gỗ làm bằng lim. Trong hầm có 1 chiếc bàn dài xây bằng gạch, tráng phẳng mặt. Ở vách hầm có chỗ để các đèn bão thắp sáng. Từ trong lòng hầm có thiết kế các ống thông hơi bằng sành. Nền hầm được lát bằng gạch, ở vị trí các góc có lát gạch đục các lỗ nhỏ như cách thoát nước đơn giản. Xung quanh hầm được xây dựng các hào”. Tiếp nối câu chuyện bên căn hầm, ông Nguyễn Hữu Chí nhớ lại: “Khi căn hầm được xây dựng tại đây thì tôi khoảng chừng 10 tuổi, nào có để tâm để ý gì. Chỉ thấy đông người tập hợp, làm lụng thì tôi cùng nhiều trẻ con trong làng háo hức, tò mò muốn đến xem. Tuy nhiên, lúc bấy giờ khu vực xây dựng được kiểm soát lắm, không phận sự miễn vào. Thế nên tranh thủ những buổi theo chân mẹ hái chè ngang qua khu vực ấy, tôi cũng chỉ biết ngó nghiêng từ xa”.

Những gì diễn ra ở căn hầm trong suốt thời kì ông Ngô Thuyền và một số cơ quan của tỉnh sơ tán về, ông Chí, bà Thắm hay nhiều thế hệ người dân trong làng, xã không hiểu biết tường tận. Những người trực tiếp tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng hầm thì đã “về với cát bụi”. Nhưng trong câu chuyện của hậu thế hôm nay đều dành lời ngợi ca, cảm phục, trân trọng, biết ơn sâu sắc đến ông Ngô Thuyền và biết bao con người thời ấy đã không quản ngại hiểm nguy, gian khó, cận kề sinh tử mà quyết liệt đấu tranh, sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc, Nhân dân.

Ký ức mỗi người dân nơi đây đều lưu lại những kỷ niệm cùng di tích Hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền. Ông Chí không đếm được bao nhiêu lần mình cùng trẻ con trong làng, xã kéo nhau xuống hầm tổ chức chơi trận giả, trốn tìm hoặc đơn giản khám phá xem hầm có gì. Thời điểm sinh con gái đầu, trời hè oi bức, nhà không có điện, bà Thắm vẫn thường mang con xuống hầm trải chiếu nằm ngủ, chơi cho mát. “Cách đây 5-7 năm trước”, trẻ con trong làng, xã vẫn thường xuyên sang vườn nhà ông nhà, mượn đèn pin rồi kéo nhau xuống hầm chơi. Thoảng hoặc cũng có khách lạ tìm đến hỏi chuyện, quay phim, chụp ảnh về căn hầm” - bà Thắm cho biết.

Hơn 50 năm sống cùng di tích, 2 vợ chồng ông Chí, bà Thắm xem đó vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng không khỏi trăn trở: “Một di tích mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt như vậy mà đến nay vẫn chưa được xếp hạng, chưa được đầu tư, quan tâm xứng tầm. Không chỉ riêng vợ chồng tôi mà rất nhiều người dân ở đây đều cảm thấy chạnh lòng, tiếc nuối. Chúng tôi mong lãnh đạo địa phương, các cấp các ngành có thẩm quyền sớm có hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích này”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu thẳng thắn chia sẻ: “Với mong muốn lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tôn vinh những công lao to lớn của thế hệ đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Tân Châu đã lập tờ trình gửi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa, UBND huyện Thiệu Hóa xem xét, trình các cơ quan có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Hầm làm việc và chỉ huy của đồng chí Ngô Thuyền. Tuy nhiên, do di tích nằm trên địa bàn xã Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa nên khó khăn trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích”.

Trải qua thời gian và nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn có di tích vẫn luôn chăm lo, bảo quản, giữ gìn căn hầm, coi đó như là một nét đẹp, minh chứng cho truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng. Đây là “địa chỉ đỏ”, lưu dấu ấn về chặng đường gian khó mà vẻ vang của tỉnh Thanh, của cả dân tộc. Để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, xã Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, để ra phương hướng, giải pháp cụ thể

Đăng Khoa

 

 

QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

 

Quê hương tôi nằm cạnh Ngã Ba Bông

Tiếng gà gáy sáu huyện nghe tỉnh giấc

Gần núi Quan Yên, kề bên núi Đọ

Sông Mã, sông Chu vang vọng đêm hò.

Người quê tôi ra đi khắp mọi miền

Cm súng biên cương, xây quê hương mới

Mùa xuân đến nôn nao tiếng gọi

Con cháu về sum họp buổi đầu xuân.

Tiếng trống chèo thúc giục đầu thôn

Đêm văn nghệ điện sáng bừng sân khấu

Cô diễn viên buổi chiều còn cấy lúa

Má đỏ hng, tay múa dẻo mềm tơ.

Đêm trăng trong soi làng như thực như mơ

Giọng hò trong nối đôi bờ xa cách

Nhịp chèo khuya sắc vàng trên sông nước

Trai gái yêu nhau sương rơi đẫm câu thề.

Bò tre xanh ôm mát rượi triền đê

Diều vi vút trong chiều hè no gió

Nay xa xứ lòng tôi luôn tưởng nhớ

Tiếng hò xưa sông Mã gọi tôi

                       Xuân Sáu

 

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    BẢN TIN NỘI BỘ THÁNG 2 NĂM 2025(14/03/2025 3:15 CH)

    BẢN TIN NỘI BỘ THÁNG 01 NĂM 2025(11/02/2025 2:57 CH)

    BẢN TIN NỘI BỘ THÁNG 12 NĂM 2024(31/12/2024 9:58 SA)

    BẢN TIN NỘI BỘ THÁNG 10 NĂM 2024(04/11/2024 9:08 SA)

    BẢN TIN NỘI BỘ THÁNG 8 NĂM 2024(09/09/2024 9:21 SA)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    318 người đã bình chọn
    °
    1758 người đang online