Thiệu Nguyên hứa hẹn một điểm du lịch sinh thái trải nghiệm ven Sông

Hễ ai có dịp đặt chân lên mãnh đất Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa sẻ tận mắt chứng kiến sự lam lũ, vượt khó của con người dân nơi đây, đã bao đời họ đã và đang đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày một thêm thịnh vượng.

Điều đầu tiên biết đến Thiệu Nguyên với nét nổi bật từ xưa đó là, Văn bia tại thôn Nguyên Thành còn được lưu giữ làm bằng một tấm đá nguyên khối dựng trên bệ hình chữ nhật. Trán lượn hình tam sơn, chạm khối nổi hình hổ phù hóa mây, viền đáy và hai viền biên khắc sen hóa mây. Bia dựng vào cuối thu năm Ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1844), khắc hai mặt, mỗi mặt khoảng 23 dòng 470 chữ, được tôn tạo vào mùa xuân năm Ất Tỵ ( 1845).

Cùng với thời gian, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa Vĩnh Phúc đã bị xuống cấp thế nhưng vẫn còn tồn tại đến ngày nay với cấu trúc theo kiểu chữ Nhất, tọa lạc trên một khu đất rộng, cao , thoáng mát, tổng diện tích là 63,5m2. Chùa được thiết kế gồm 3 gian hai trái, 6 bộ vì kèo bằng gỗ, với những bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân thời xưa đã dày công chạm khắc một cách độc đáo và tỷ mỹ mang đậm yếu tố Phật giáo và truyền thống của người Việt.

          Qua những đường nét chạm khắc của người đương thời đã giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để tìm hiểu sâu sắc về đời sống sinh hoạt, sự phát triển tín ngưỡng Phật giáo ở vùng đất này cũng như quá trình xây dựng và phát triển quê hương Phù Nguyên thời Nguyễn trong tiến trình lịch sử của dân tộc và đặc biệt là nguồn tư liệu quý giá, làm cơ sở để tu bổ, tôn tạo di tích.

                                     

          Theo nhiều tài liệu sử sách ghi lại,Vua Lê Ý Tông là vị Hoàng đế thứ 14 của nhà Lê Trung Hưng và thứ 25 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Vua Lê Ý Tông sinh ngày 9/2 năm Kỷ Hợi 1719, lên ngôi ngày 27/4 năm Ất Mão 1735. Sau khi lên ngôi, Vua lấy ngày sinh nhật làm ngày Xuân Hồn Thánh Tiết, đổi niên hiệu một lần là Vĩnh Hựu ở ngôi 6 năm từ 1735-1740. Sau đó Vua nhường ngôi cho cháu là Duy Diêu và được tôn làm Thái Thượng Hoàng. Giờ Ngọ ngày 8/6 nhuận năm Kỷ Mão 1759 Vua băng hà, thọ 41 tuổi. Tôn hiệu là Huy Hoàng Đế, miếu hiệu Ý Tông.Theo  Đại việt sử ký tục biên, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử thông giám cương mục, Đại nam nhất thống chí ghi chép lại nơi an táng của Hoang Đế Lê Ý Tông tại  làng Phù Nguyên, huyện Thụy Nguyên, nay là xã Thiệu Nguyên

          Hiện nay ngôi mộ của Vua Lê Ý Tông nằm trên sườn núi Trịnh Sơn tại, thôn Nguyên Sơn, xã Thiệu Nguyên, được phát hiện từ năm 1977. Ngôi mộ có cấu trúc hình chữ nhật chiều dài 2,5m, rộng 1,5m, cao 1,2m,  mộ đặt theo hướng Đông – Tây. Mộ Vua Lê Ý Tông cấu trúc phổ biến dành cho tầng lớp quý tộc và vua chúa thời Lê, có một lớp quách dày mà vật liệu để đúc quách chủ yếu bằng vôi sống, vôi tôi, vỏ nghiêu sò hay san hô nghiền vụn, cát, chất kết dính như mật mía, mật ong, nhựa dây tơ hồng, ô dước, giấy dó, than hoạt tính... Lớp quan tài bên trong thông thường được làm bằng gỗ đặc biệt tốt, các ván thành của áo quan được ghép lại với nhau qua các mộng chốt bằng đinh sắt, nhằm tạo nên sự chắc chắn, bền vững.

                  

Khu lăng mộ Vua Lê Ý Tông đang được huyện tu bổ, tôn tạo và đề nghị xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa

          Cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây, những công trình kiến trúc, các di tích lịch sử, văn hóa luôn là một di sản văn hóa do Nhân dân sáng tạo ra. Đó không chỉ là những “ pho sử lộ thiên”, các công trình kiến trúc này còn hội tụ các giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc mang đậm đặc trưng của vùng đất Thiệu Nguyên.

          Từ lâu, Thiệu Nguyên được biết đến là nơi lưu giữ làn điệu chèo truyền thống. Theo lời kể của nhiều bậc cao niên trong xã, bộ môn nghệ thuật chèo ở đây ra đời cách đây đã gần 7 thập kỷ, khi đó các đội văn nghệ hát chèo, tuồng, cải lương chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Các thôn và đều có đội chèo riêng, mỗi đội từ 6 - 8 người, các thành viên trong đội đều là những người nông dân . Tuy chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng họ đều có niềm đam mê mãnh liệt với chèo. Hình là như những làn điệu chèo đã ngấm sâu vào máu thịt và trở thành một phần không thể thiếu trong cơ thể của những con người nơi đây.

   

          Về xã Thiệu Nguyên ai cũng được thưởng thức làn điệu chèo với những âm thanh của tiếng trống, tiếng phách ngân nga trầm bỗng, hòa quyện cùng với điệu hát mượt mà, dáng đi uyển chuyển của những cô thôn nữ thiết tha trong các màu áo sẻ làm cho chúng ta say đắm lòng người. Những thành viên đội chèo phần nhiều là những cô gái sớm hôm tay cuốc, tay cày đảm đang, họ chỉ lau kịp mồ hôi, thay bộ quần áo lấm bùn đất lại cùng nhau cất lên những lời ca, tiếng hát mượt mà, đằm thắm xua đi những mệt nhọc trong lao động sản xuất để rồi họ thấy yêu đòi hơn, tình thương gắn bó hơn và tình cảm xiết lại gần nhau hơn.

          Trong những năm tháng chống chiến tranh đế quốc, điệu chèo luôn ngân trong gió theo chân các chiến sĩ đi khắp các chiến trường lập những chiến công hiển hách góp phần làm làm nên chiến thắng mùa xuân. Còn điệu chèo ở Thiệu Nguyên hôm nay vẫn được duy trì để không ngừng cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất cho bà con nhân dân trong và ngoài xã.  Điệu chèo coi như là vật báu Vua ban nên luôn được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tre già, măng mọc cứ thế điệu chèo nơi đây tiếp tục được trau dồi, gọt rủa ngày càng trong sáng hơn, hấp dẫn, thu hút được nhiều người thưởng thức, trở thành món ăn tinh thần trong đời sông nhân dân, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam để hướng tới phục vụ du khách đến thăm quan du lịch.

           

Trên những cánh đồng, những người nông dân đang miệt mài lao động sản xuất. Quanh năm với ruộng lúa, bãi dâu, vất vả là thế, lam lũ là thế nhưng những người dân chân chất, cần cù nơi đây lại có chung niềm say mê với nghệ thuật chèo. Cất cao lời ca, tiếng hát trong lao động sản xuất như xua đi trong họ những mệt nhọc để rồi họ thấy yêu đòi hơn, tình cảm xích lại gần nhau hơn.

          Điều đáng kể là Thiệu Nguyên được thiên nhiên ban tặng, trên 3 km Sông Chu uốn mình bồi đắp 115,5 ha đất bải phù , nhân dân nơi đây đã tập trung trồng cây lấy gỗ, trồng ngô, khoai sắn và rau đậu các loại . Ngoài việc tăng nguồn thu nhập đang dần hình thành điểm khu du lịch sinh thái, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp không khói. Có một điều thực sự đáng mừng là những năm gần đây, người dân xã Thiệu Nguyên đã ý thức hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên, tất cả đang hướng đến sự tôn trọng với thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái khỏi sự ảnh hưởng và tác động của con người. Nói cách khác, đến đây, con người sẽ được hòa mình vào cuộc sống xanh, được tham quan, trải nghiệm cùng thiên nhiên, mang lại sự hài hòa giữa các cộng đồng và duy trì cuộc sống của người dân địa phương. Không những đến đây hoạt động tham quan, vui chơi bổ ích mà còn rèn luyện cho mình thêm kĩ năng và sự hiểu biết về các hoạt động nông nghiệp, nông trại  và gần gũi với thiên nhiên.

            

          Nhiều người còn biết đến Thiệu Nguyên là vùng quê có món khoái khẩu mỗi khi mùa mưa về, nay món dế tự nhiên đã được “nâng cấp” thành đặc sản nhờ hương vị thơm ngon, "độc", lạ, giàu dinh dưỡng. Những ngày mưa, thưởng thức món dế với ly rượu nếp thì còn gì bằng. Muốn có một món dế ăn ngon phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dế. Nên chọn dế còn sống, khỏe mạnh, thân mình mập mạp, đủ chân và càng. Sơ chế, làm sạch bằng cách ngâm dế trong nước muối loãng từ 3 - 5 phút nhằm loại bỏ đất cát bên ngoài; cho dế vào chảo rang sơ qua rồi để nguội; cấu nhẹ phần đuôi để rút ruột ra khỏi bụng, loại bỏ túi hôi ở gáy con dế, cắt cánh, bỏ phần chân có gai sắc nhọn. Công đoạn này phải thật khéo léo và nhẹ nhàng để dế còn nguyên con, không dập nát. Làm xong, rửa lại dế bằng nước, vớt ra cho ráo nước rồi chế biến món ăn.

          Có nhiều cách chế biến dế thành món ngon như chiên giòn, chiên bột, dế nướng, rang mẽ... trong đó dế xào sả ớt rất hấp dẫn, mới nhìn thôi đã "ghiền". Tùy từng món dế, ta sẽ ướp dế với những nguyên liệu phù hợp. sao cho vừa miệng. Hạn chế đảo đi đảo lại nhiều lần sẽ làm gãy càng và thân dế khiến món ăn không đẹp mắt. Nấu thêm một vài phút, nếm thử mình dế giòn, bụng mềm thì tắt bếp. Bày dế ra đĩa, rắc ít ớt thái lát, lá chanh thái chỉ cho món ăn hấp dẫn và dậy mùi. Món dế xào sả ớt ăn nóng mới ngon và càng đậm đà hơn nếu chấm kèm với chén nước mắm chua cay.

          Nhờ đáp ứng đúng tiêu chí ngon - sạch - bổ, món dế, nhất là dế xào sả ớt đã trở thành đặc sản có mặt ở nhiều quán ăn, nhà hàng sang trọng. Chính mùi thơm riêng biệt cùng vị béo béo giòn tan khi ăn đã đưa món dế tự nhiên ở Thiệu Nguyên trở thành món ăn được ưa chuộng nhất trong các món về côn trùng.                                    

 Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện Thiệu Hóa về Phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn . Đảng ủy xã Thiệu Nguyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề tăng cường lãnh đạo của Cấp ủy Đảng về thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu hàng tuần đã triển khai họp giao ban về tiến độ xây dựng NTM nắm bắt tiến độ công việc, giải quyết kịp thời  những khó khăn vướng mắc. bên cạnh đó, xã Thiệu Nguyên đã tăng cường công tác tuyên truyền về NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu trên hệ thống truyền thanh của xã và thôn ,vận động nhân dân chỉnh trang tường rào, rãnh thoát nước…, Biểu dương những tổ chức, cá nhân đã có thành và đóng góp vào phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu . Đến nay toàn xã đã hoàn thành 4 tuyến đường đồng bãi, với chiều dài 1600m, nâng cấp, cải tạo đường giữa làng dài 2,2km, kênh gom nước thải khu dân cư dài 2,2km, đổ nhựa tuyến đường bắc kênh nam dài 1,5km, xây dựng được  11.000 m tường rào mẫu, tu sửa sân vận động; các nhà văn hóa; Trung tâm VH, thể thao của xã, lắp đặt hệ thống đường cấp nước tập trung, đặt tên đường, đánh số nhà, trồng cây bóng mát và làm bồn hoa dọc tuyến kênh nam dài 2,2km. Sản phẩm bánh lá Hiệu Hưng Ân được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, mô hình 2000m2 dưa công nghệ cao nhà màng đang cho hiệu quả vượt trội so với cây trồng truyền thống , 10 ha  chuối bán lá khu Bến chính

Thiệu Nguyên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, lắp mạng wifi miễn phí ở các điểm công cộng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2022 đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,49%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 82,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 32% . Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% . Công tác vệ snh môi trường luôn đảm bảo, rác thải đã được hội phụ nữ tổ chức cho các hội viên phân loại tại nguồn. đến nay đã được 400 hộ phân loại.

Thiệu Nguyên cũng đã có mô hình camera an ninh và các mô hình về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cháy, nổ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với  phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Đến nay toàn xã đã huy động xây dựng NTM là  73,7 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách xã: 16,6 tỷ , vốn huy động nhân dân: 46,1 tỷ (xây dựng nhà ở, chỉnh trang nhà văn hóa, làm kênh gom nước thải sinh hoạt, rãnh thoát nước; lắp đặt hệ thống nước sạch), vốn Doanh nghiệp: 11  tỷ đồng

Thiệu Nguyên đang tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mớinhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và giá trị hưởng thụ người dân nông thôn, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn kết, gắn bó tình làng,  nghĩa xóm, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Môi trường nông thôn: “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; an toàn, văn minh, hiện đại; người dân là chủ thể trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Vận động nhân dân tiếp tục hiến đất, nạo vét rãnh thoát nước trên địa bàn thôn, chỉnh trang đường làng, tường rào theo mẫu. Vận động nhân dân vẽ tranh tường, đóng góp kinh phí xây dựng đường điện sáng, chỉnh trang nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp; thu gom, phân loại,  xử lý rác thải đúng quy định; chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường vận động đoàn viên, hội viên vàtích cực vận quần chúng Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại văn minh trên địa bàn xã./.

 

Thanh An - Trung tâm VH,TT,TT&DL Thiệu Hóa