Thiệu Hóa tập trung chuyển đổi số một cách toàn diện
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, vì vậy huyện Thiệu Hóa đang tập trung CĐS hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số, gắn đến quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi số ngày càng cao và thay đổi hàng ngày như hiện này, huyện Thiệu Hóa quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Huyện đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế chính sách trọng tâm nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển CNTT tuyền thông của huyện. Đặc biệt tháng 03/2022, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, 9 tháng đầu năm 2022, công tác CĐS trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã đạt được những kết quả khả quan, bước đầu mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 98%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên 98%.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa tại điểm cầu phòng họp trực tuyến UBND huyện Thiệu Hóa
Phòng họp trực tuyến ngày càng được duy trì và nâng cấp, tần suất trung bình 04 cuộc họp trực tuyến/tháng. 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử.


Kết quả giải quyết thủ tục hành chính của huyện Thiệu Hóa trên Cổng dịch vụ công
Tổng số văn bản được gửi đi trên phần mềm TDOffice tính đến ngày 20/9/2022 là 22.644 văn bản, 100% văn bản được ký số lãnh đạo. Việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyếnở cấp huyện mức độ 3 là 716/719 hồ sơ đạt tỷ lệ 99,6%; Mức độ 4 tiếp nhận 45/46 hồ sơđạt 97,8%. Ở cấp xã, mức độ 3 tiếp nhận trực tuyến 3728/3754 hồ sơ đạt 99,3%; Mức độ 4 tiếp nhận trực tuyến 4597/5200 đạt 88,4% hồ sơ.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông truyền đạt các nội dung về chuyển đổi số tại hội nghị tập huấn do UBND huyện Thiệu Hóa tổ chức
Triển khai thanh toán điện tử Vnpay tại Bộ phận một cửa. Đưa 44 hộ sản xuất nông nghiệp và 16 sản phẩm OCOP 3 sao lên sàn thương mại điện tử. 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, làng nghề, hộ kinh doanh được tiếp cận chương trình hỗ trợ chuyển đổi số. Khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số.

Lãnh đạo Trung tâm Viễn thông Thiệu Hóa hướng dẫn công tác chuyển đổi số tại nhà văn hóa thôn
Tổ chức 02 lớp tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng cho 12 xã hoàn thành chuyển đổi số năm 2022, cán bộ, công chức các phòng chuyên môn UBND huyện và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các xã, thị trấn. Triển khai sổ liên lạc điện tử, tin nhắn SMS, trang thông tin điện tử, điểm danh thông minh… tại các trường học, phần mềm học tập trực tuyến: VNPT E-Learning, Viettelstudy… sổ sức khỏe điện tử, cài đặt ứng dụng PC-Covid. Xây dựng mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số Vpostcode, phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đến 100% các thôn.

Triển khai chuyển đổi số gắn với tiêu chí thông minh trong xây dựng thôn NTM kiểu mẫu tại xã Thiệu Trung
Đã xây dựng và thực hiện chuyên mục tuyên truyền về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở từ huyện đến các xã, thị trấn; đăng 8 tin, bài liên quan đến chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của huyện và 8 tin bài tuyên truyên trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và cấp xã.
Tuy nhiên, hiện nay chuyển đổi số trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 70%, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh có Tài khoản ngân hàng để liên kết với ví điện tử còn rất thấp gây khó khăn cho quá trình tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán các dịch vụ cơ bản (điện, nước,…), các giao dịch trên sàn thương mại điện tử; Kỹ năng ứng dụng công nghệ số của cán bộ công chức cấp xã còn chưa đồng đều, chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT tại xã (chủ yếu làm việc kiêm nhiệm).

Nhân viên Trung tâm Viễn thông Thiệu Hóa hướng dẫn chuyển đổi số đến từng hộ gia đình
Nhận thức của đại bộ phận người dân về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của chuyển đổi, của việc sử dụng các công cụ CNTT phục vụ cho công việc, thay đổi cách thức làm việc, cách thức mua sắm, bán hàng; Nhiều địa phương cơ sở vật chất, trình độ công nghệ còn hạn chế nên chưa thể thực hiện chuyển đổi số của cơ quan nhà nước và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã, thị trấn; Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.

Nhân viên Trung tâm Viễn thông Thiệu Hóa hướng dẫn chuyển đổi số cho các hộ kinh doanh
Để những khó khăn nêu trên không trở thành rào cản trên con đường chuyển đổi số của huyện, huyện Thiệu Hóa tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh và các Kế hoạch của huyện về thực hiện chuyển đổi số năm 2022; UBND huyện Thiệu Hóa đã ký kết chương trình hợp tác với Viễn thông Thanh Hóa về ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử nhân ngày chuyển đổi số Việt Nam 10/10.
Tập chung chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ngành trên địa bàn huyện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Viễn thông Thiệu Hóa trong thực hiện một số nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện với 3 nền tảng chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đã triển khai các tiêu chí thông minh trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thiệu Trung và các xã xây dựng NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu; thí điểm lắp đặt Wifi công cộng tại các nhà văn hóa thôn, tiểu khu. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, huyện Thiệu Hóa phấn đấu đạt được các mục tiêu trong việc thực hiện chuyển đổi số, để góp phần xây dựng quê hương ngày càng hiện đại, văn minh./.
Lê Nga