Đến với làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông

Trống đồng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là báu vật tồn tại của dân tộc Lạc Việt. Sau nhiều năm thành công, các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, đã khôi phục và phát triển truyền thống nghề nghiệp, góp phần cùng mảnh đất xứ Thanh tiến vào kỷ nguyên mới, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu bên chiếc trống đồng không lồ do chính tay ông cùng các nghệ nhân lành nghề tạo nên

Làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vốn là làng nghề đúc đồng truyền thống hàng trăm năm nay. Trong làng còn có đền thờ ông tổ của nghề đúc đồng Khổng Minh Không.Thời thịnh vượng nhất của làng có tới 90% dân số làm nghề đúc đồng.Trong nhà ngoài ngõ lúc nào cũng rộn rã tiếng đe tiếng búa.

Các sản phẩm với đa dạng mẫu mã của làng có mặt và nổi tiếng khắp vùng, không chỉ ở xứ Thanh mà còn theo chân các nhà buôn đi khắp mọi miền đất nước. Thời gian trôi đi với những thăng trầm dâu bể, nghề đúc đồng dần dần mai một, hiện trong làng chỉ còn khoảng hơn 20 gia đình làm nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đang nung chảy đồng tại nhà xưởng để đúc ra những chiếc trống đồng

Làng nghề có ông Nguyễn Bá Châu, là nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng, ông Châu chia sẻ, năm 1998, ông bắt đầu nghiên cứu các hoa văn, họa tiết để thử nghiệm đúc lại trống đồng cổ Đông Sơn. Sau nhiều lần thất bại, đến năm 2000, sản phẩm trống đồng của ông được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các nhà sử học đánh giá rất cao.  Năm 2018, ông Châu nhận đúc chiếc trống đồng có đường kính mặt 2,35 m, cao 1,87 m, nặng gần 4 tấn, theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ, Hà Nam.

Để tạo ra chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam này, ông Nguyễn Bá Châu đã bỏ ra 5 tấn đồng, với sự tham gia của khoảng 30 người, trong 6 tháng với chi phí gần 4 tỷ đồng, đúc bằng phương pháp thủ công.

Trong quá trình thực hiện đúc trống, công đoạn nào cũng quan trọng.Đầu tiên là chọn đất. Khối lượng đất để làm khuôn đúc chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam thì đất được chính tay nghệ nhân thẩm định bằng kinh nghiệm dựa vào màu sắc và cảm giác bằng kinh nghiệm gia truyền. Đất hỗn hợp được nhào nhuyễn với nước để hình thành khuôn đúc.

Theo nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, chiếc trống được thực hiện trong thời gian 6 tháng, với sự tham gia của khoảng 30 người. Chiếc trống có đường kính mặt 2,35 m, cao 1,87 m, nặng gần 4 tấn. Trống được đúc theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ (là chiếc trống đồng được tìm thấy ở Ngọc Lũ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bằng phương pháp thủ công truyền thống. Tổng số tiền để hoàn thành chiếc trống này khoảng gần 4 tỉ đồng.

Các công đoạn đúc đồng được thực hiện hoàn toàn thủ công

Hiện chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam đang được trưng bày tại khu vực làng nghề truyền thống của xã Thiệu Trung, để người dân và du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng.

Mặt trống chính giữa đúc nổi ngôi sao 14 cánh bao quanh một mặt tròn nổi, chính là núm để đánh trống. Xen giữa các cánh sao là những họa tiết hình lông công, hoa văn của trống mô phỏng trống đồng Ngọc Lũ với kiểu chìm nổi, gồm nhiều nét vẽ tượng trưng như 18 chim lạc, cảnh giã gạo, múa thể hiện sự an cư lạc việt của con Lạc cháu rồng...

Theo ông Châu chi sẻ: "Tôi đúc chiếc trống đồng to nhất Việt Nam với mục đích trưng bày để nhiều người biết đến làng nghề truyền thống của địa phương. Mặt khác là để sau này con cháu nhìn thấy và cảm nhận, cố gắng, tiếp tục phát huy nghề đúc trống đồng", ông Châu cho biết.

Từ những đóng góp lớn cho làng nghề, năm 2016, ông Nguyễn Bá Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2017, Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng.

anh Nguyễn Bá Quý con trai ông Nguyễn Bá Châu là nghệ nhân được ông Lê Doãn Hợp khi đương chức Bộ Trưởng Bộ thông tin truyền thông trao bằng xác lập kỷ lúc trống đồng lớn nhất Việt Nam năm 2018.

Năm 2021, sản phẩm trống đồng của ông Nguyễn Bá Châu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.Từ đây, thương hiệu về làng nghề đúc đồng Trà Đồng cũng như các sản phẩm đồ đồng nơi đây được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Chúng tôi rời làng Trà Đông trong cái lạnh cắt da của buổi chiều cuối năm Giáp Thìn với những nỗi niềm của người nghệ nhân về việc giữ gìn và phát huy những giá trị của làng nghề truyền thống. Sự hồi sinh của làng nghề truyền thống là niềm tin như nước đồng đang tan chảy nóng bỏng để mạch nguồn cha ông mãi mãi được truyền đời cho các thế hệ con cháu... Mùa xuân đang về.Hoa xuân đang đua nhau khoe sắc chờ ngày khai hội.Tiếng trống đồng lại được ngân vang trong nắng chiều của xứ Thanh đang vươn mình góp phần cùng cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Thanh Mai