Dấu ấn lịch sử không thể quên trên mảnh đất Tân Châu

Thanh Hóa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là địa bàn chiến lược trọng yếu, “chiếc giáp sắt” bảo vệ thủ đô Hà Nội, kho dự trữ chiến lược, “chiếc cầu nối” giữa miền Bắc với miền Nam. Những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản anh hùng ca chiến thắng thời đại Hồ Chí Minh. Những đóng góp ấy được thể hiện sinh động trong những di tích, hiện vật, kỷ vật, trong những hồi ức, kỷ niệm của các nhân chứng lịch sử. Trong đó, Di tích Hầm chỉ huy của Tỉnh đội Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ (xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa) nhắc nhớ một giai đoạn đấu tranh kiên cường, anh dũng của quân và dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Thực hiện âm mưu cắt đứt chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, giặc Mỹ đã huy động lực lượng đánh phá ác liệt tại Thanh Hóa - địa bàn chiến lược trọng yếu, cửa ngõ vào chiến trường, trong đó tập trung vào các mục tiêu giao thông. Trước âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ, bám sát chủ trương của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo chuyển hướng phát triển kinh tế - văn hóa, giao thông - vận tải từ thời bình sang thời chiến, ban hành nghị quyết về nhiệm vụ động viên tuyển quân, xây dựng lực lượng chi viện cho chiến trường, xác định đó là “nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là nghĩa vụ dân tộc thiêng liêng, là vấn đề trách nhiệm chính trị, là tình cảm hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn; là tình nghĩa sắt son đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, với tỉnh Quảng Nam kết nghĩa và là nhiệm vụ quốc tế cao cả”.

Được sự chỉ đạo về công tác chuẩn bị chiến đấu của lực lượng vũ trang và tổ chức công tác phòng không Nhân dân đối phó với âm mưu của địch, Ban cán sự Đảng Tỉnh đội (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị cho các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường lãnh đạo nâng cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và tổ chức công tác phòng không Nhân dân trong địa phương, đơn vị mình như: Triển khai công tác báo động phòng không, xây dựng hầm hào phòng tránh, tổ chức hệ thống cấp cứu phòng không, phòng cháy chữa cháy; lập kế hoạch sơ tán, phân tán, di dân ra khỏi khu vực trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ; chuyển toàn bộ sinh hoạt, sản xuất, công tác, học tập của cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, HTX... vào trạng thái chiến tranh. Các cơ quan quân sự huyện, thị xã trực tiếp hướng dẫn các xí nghiệp, HTX có lực lượng chiến đấu, xây dựng trận địa, làm hầm ẩn nấp, tổ chức báo động để vừa sản xuất vừa chiến đấu...

Là vùng đất có địa hình tương đối đa dạng, bao gồm đồi núi, sông, ao hồ..., ngoài những cánh đồng rộng, dài, nằm xen kẽ núi, xã Tân Châu có núi Go là ngọn núi đất cao 30m, diện tích 10ha, cây cối rậm rạp; núi Đồng Chài nhỏ, thấp, nằm giữa cánh đồng... Người dân nơi đây chất phác, chịu thương chịu khó, có tinh thần cách mạng. Đây là những điều kiện thuận lợi để xây dựng hầm làm việc và chỉ huy kháng chiến.

Hòa trong không khí sôi nổi, khẩn trương ấy, Nhân dân xã Tân Châu đã đóng góp hàng vạn ngày công, tập trung vật liệu để xây dựng hầm hào, chuẩn bị các điều kiện cho việc sơ tán của Tỉnh ủy và Tỉnh đội về địa phương. Lúc bấy giờ, 2 căn hầm đã được xây dựng tại xã Tân Châu. Trong đó, 1 căn hầm là nơi đồng chí Ngô Thuyền, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hóa trực tiếp làm việc và chỉ huy kháng chiến. Căn hầm thứ 2 được xây dựng ngay trên cánh đồng rộng (thường gọi là trại Mã Cầu) thuộc địa phận thôn Thọ Sơn là nơi làm việc và chỉ huy kháng chiến của đồng chí Trịnh Tố Phan, Tỉnh đội trưởng.

Căn hầm chỉ huy của Tỉnh đội Thanh Hóa trong thời kỳ 1965–1973 được thiết kế theo kiểu chữ Chi, có 2 cửa. Cửa phía Tây Bắc cao 1,7m, rộng 80cm, âm so với mặt đất khoảng 60cm. Cửa phía Đông Bắc có kích thước giống cửa phía Tây Bắc, âm so với mặt đất khoảng 150cm. Đường hầm dài khoảng 10m, chia thành bốn nhánh, trung bình mỗi nhánh hầm có độ dài khoảng 2,5m. Phần tường hầm cao 1,4m, xây bằng 17 hàng gạch; phía trên xây theo kiểu mái vòm; phần giáp ranh giữa các nhánh hầm được thiết kế lỗ thông hơi có đường kính 15cm. Nền hầm được lát gạch, dưới nền được xây những bệ gạch để có chỗ ngồi làm việc và hội họp bàn phương án tác chiến...

Suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần, ý chí chiến đấu. Từ trong điều kiện ngặt nghèo nhất, dưới các địa đạo, căn hầm thiếu thốn đủ bề, những buổi họp bàn chiến lược, những quyết sách, những mệnh lệnh chỉ huy, động viên tinh thần chiến sĩ, Nhân dân vẫn được truyền đi khắp các trận địa, chiến hào. Dẫu cuộc sống còn cơ cực, đối diện với thực tế khốc liệt của chiến tranh, quần chúng Nhân dân vẫn một lòng tin yêu, hướng về kháng chiến, sẵn sàng dốc hết sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Tất cả đã cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa kháng chiến sục sôi, bỏng cháy khiến cho “Mỹ cút”, “Ngụy nhào”, góp phần to lớn đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Căn hầm làm việc của chỉ huy Tỉnh đội Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ từ năm 1965 đến năm 1973 vẫn luôn được các thế hệ người dân xã Tân Châu gìn giữ, phát huy. Để niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương như mạch nguồn chảy mãi và chuyển hóa thành động lực thôi thúc mỗi người không ngừng nỗ lực, phấn đấu rèn luyện, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

(Baothanhhoa.vn) 

Quang Minh