Núi Bằng Trình và chùa Thái Bình: Một vùng thắng cảnh nổi tiếng xứ Thanh
Núi Bằng Trình - chùa Thái Bình ở xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bàn A Sơn nổi tiếng của xứ Thanh và cả nước. Chùa Thái Bình linh thiêng, núi Bằng Trình là ngọn núi đá có hình thù và màu sắc rất đẹp nổi lên ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mã, sông Chu, tạo nên cảnh sắc hiếm có.

Núi Bằng Trình - chùa Thái Bình nằm trong quần thể di tích thắng cảnh Bàn A Sơn nổi tiếng của xứ Thanh và cả nước. Đã có nhiều sách của người xưa ở Việt Nam và Trung Quốc chép về vùng đất này như là một miền hội tụ tiêu biểu của lịch sử, thắng tích ở vùng tam giác hạ lưu châu thổ sông Mã, sông Chu. Sự phân bố của cụm di tích thắng cảnh này trước đây nằm ở xã Đại Khánh (huyện Thiệu Hoá) ở hai bờ của sông Chu; ngày nay thuộc địa phận hai xã Thiệu Khánh và Thiệu Hợp của huyện Thiệu Hoá. Từ năm 1990 thắng cảnh Bàn A Sơn đã được xếp hạng là di tích thắng cảnh. Núi Bằng Trình là một trong 10 cảnh đẹp tạo nên thắng tích Bàn A Sơn nằm ở phía tả ngạn của Sông Chu thuộc địa phận xã Thiệu Hợp.
Cụm di tích thắng cảnh núi Bằng Trình và chùa Thái Bình dưới thời Lê thuộc làng Bằng Trình, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hoá. Vùng đất này trong lịch sử có nhiều sự thay đổi. Đầu thời Nguyễn địa bàn huyện Thiệu Hoá ngày nay thuộc 3 huyện là Thụy Nguyên, Lôi Dương và Đông Sơn (đều thuộc phủ Thiệu Hoá). 15 xã phía tả ngạn sông Chu từ thời Trần về trước (trong đó có xã Thiệu Hợp) thuộc địa bàn huyện Lương Giang (vì có sông Lương tức sông Chu chảy qua). Đời Lê (Thuận Thiên) đổi thành huyện Ứng Thụy, đến đời Lê Quang Thuận lấy lại tên cũ là Lương Giang. Từ đời Lê (Đoan Khánh - đầu thế kỷ XVI) đổi tên là huyện Thụy Nguyên. Huyện này còn gồm cả một phần huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc hiện nay. 5 xã phía hữu ngạn sông Chu (ở phía Tây huyện hiện nay) thuộc địa bàn huyện Lôi Dương. Thời Trần về trước là huyện Cổ Lôi. Đời Lê (Quang Thuận) đổi là huyện Lôi Dương. Huyện này còn bao gồm một số xã thuộc các huyện Thọ Xuân và Triệu Sơn hiện nay. Từ năm 1826 huyện Lôi Dương tách khỏi phủ Thiệu Hoá để nhập vào phủ Thọ Xuân. 11 xã còn lại phía hữu ngạn sông Chu thuộc địa bàn huyện Đông Sơn. Huyện này xưa kia là Đông Dương và Đông Cương. Từ thời Trần đổi là huyện Đông Sơn. Từ năm 1900 tách 2 tổng Vận Quy và Đại Bối (địa bàn 11 xã hiện nay) khỏi Đông Sơn và nhập vào huyện Thụy Nguyên. Từ sau Cách mạng tháng Tám, huyện Thiệu Hoá được thành lập bao gồm phần đất tương đương như hiện nay.

Xã Thiệu Hợp ngày nay gồm có 5 làng: Làng Chấn Long từ đầu thế kỷ XIX đến trước năm 1945 là làng Nạp thuộc xã An Xá, tổng Phùng Cầu, huyện Thụy Nguyên; làng Yên Xá trước đây là Quảng Xá; làng Năm Bằng và Bắc Bằng là hai lùng tách ra từ làng Bằng Trình (tên nôm là làng Trịnh), từ đầu thế kỷ XIX và làng Thắng Long có từ đầu thế kỷ XIX. Riêng làng Bằng Trình có núi Bằng Trình vốn là vùng đất cổ - nơi có Núi Bằng Trình đã chứng kiến nhiều trận đánh chống lại quân xâm lược như Đông Hán ở thời kỳ Hai Bà Trưng (năm 43) và các trận quyết chiến giữa quân Mạc và quân Trịnh ở thế kỷ XVI. Nhiều sưu tập hiện vật ở đây đã chứng minh điểu đó. Ngoài giá trị về mặt lịch sử, núi Băng Trình và chùa Thái Bình còn là một thắng tích quan trọng của tỉnh Thanh Hoá cần được giữ gìn bảo vệ và phát huy tác dụng.
Núi Bằng Trình là ngọn núi đá có hình thù và màu sắc rất đẹp nổi lên ở vùng đồng bằng hạ lưu sông Chu, sông Mã, nó hợp với núi Vồm (còn gọi là núi Bàn A) ở xã Thiệu Khánh để tạo nên vùng thắng tích nổi tiếng đã dược các bậc vua chúa và danh sĩ thời xưa cũng như ngày nay “du ngoạn và nhã thú”. Vì vậy khi nói đến Bằng Trình không thể tách rời thắng cảnh Bàn A Sơn. Sách Lịch triều Hiến chương loại chícũng như sách Đồng Khánh Địa dư chí khi viết về vùng này đều gọi quần thể di tích này làm một để tạo nên vùng thắng cảnh rộng lớn và hoàn chỉnh với mười cảnh đẹp.

Quan sát trên thực địa thấy núi Bằng Trình nằm bên tả ngạn sông Chu, ấn ngữ những điểm nút, ngã ba của ba xã Thiệu Hợp, Thiệu Dương, Thiệu Khánh. Ngã ba của sông Chu, sông Mã, hai con sông lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá cùng với núi Vồm (núi Bàn A), núi Đọ (Thiệu Tân) tạo ra thế chân kiềng vững chãi. Là một ngọn núi độc lập đứng bên tả ngạn cua sôngChu. Dưới chân núi có chùa Thái Bình, cửa chùa trên đỉnh núi đối diện với núiBàn A đã tạo nên cảnh đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên Bàn A Sơn.
Về mặt lịch sử, từ thời Hai Bà Trưng, sau khi chiếm được huyện lỵ Dư Phát, MãViện đã đưa quân thủy bộ, ngược sông Lèn rồi theo đường sông Mã đến Ngãba Đầu (nơi hợp lưu của sông Mãvà sông Chu) để tấn công Tư Phố (làngGiàng, Thiệu Dương) với ý đồ là tiêu diệtbằng được lực lượng quan trọng này của nghĩa quân, nơi mà Cừ Súy Cửu Chân là Chu Bá đang đóng giữ. Nhưng khi đến núi Bằng Trình, quân Mã Viện đã phải đương đầu với lực lượng chính củanghĩa quân tại núi này. Kết quả nghiên cứu khảo cổ về thời kỳ Hai Bà Trưng đã có kết luận về trận quyết chiến chiến lược này. Sưu tập hiện vật ở núi Bằng Trình khá phong phú với đủ các chất liệu: đồ đá, đồ đồng và đổ sắt. Đặc biệt đã tìm thấy 33 mũi tên đồng gồm hai loại: loại có họng và loại có chuôi. Riêng loại có chuôi chiếm hơn 80% tổng số mũi tên được phân thành 3 nhóm với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau. Nhiều chiếc đã bị cong, bị sứt mũi, hoặc gãy chuôi. Tất cả đều cắm vùi một hướng, rải rác trên sườn phía đông nam núi Bằng Trình. Sự phong phú về kiểu dáng của sưu tập mũi tên này, dẫu không nhiều về số lượng như kho tên đồng cổ Loa, nhưng đã phản ánh một thực tế lịch sử, những mũi tên này được sản xuất từ nhiều vùng khác nhau của đất nước và đã theo chân các dân binh Lạc Việt vào trận đánh quan trọng này.
Cũng ở địa điểm núi Bằng Trình, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy rất nhiều tàn tích chiến tranh khác như mảnh xương sọ, xương ống chân, ống tay người.... kết hợp với nhiều nguồn tư liệu khác nhau như khảo cổ học, địa lý học, lịch sử, thư tịch cổ.. nhiều nhà nghiên cứu đã có những nhận định thống nhất khi nói về trận đánh ở núi Bằng Trình (Lịch sử Thanh Hoá tập 2 NXB KHXH-Hà Nội 1994, tr38). Như vậy, xét về mặt thắng tích, núi Bằng Trình là một trong 10 cảnh đẹp của quần thể di tích Bàn A Sơn; về lịch sử là di tích lịch sử tiêu biểu của thời kỳ Hai Bà Trưng; về mặt địa chất là ngọn núi có thành phần đá núi đẹp đẽ nhiều màu sắc vì thế ngọn núi này cần phải được bảo vệ để sự tồn tại của nó góp vào khung cảnh thiên nhiên của một vùng đất có cảnh trí đẹp đỗ và nên thơ.
Chùa Thái Bình, là ngôi chùa nổi tiếng được ghi chép trong các sách địa chí trước đây như sách Lịch Triều Hiến chương loại chí(tập 1) của Phan Huy Chú, sách Thanh Hóa tỉnh chí, sách Đồng Khánh địa dư chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn. Sách Tự điển di tích Văn hóa Việt Nam của Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội 1993. Các sách trên đều thống nhất chép về ngồi chùa như sau: Chùa được xây dựng vào khoảng niên hiệu Chính Hoà (1680-1703) đời Lê Hy Tông trên núi Bằng Trình thuộc làng Bằng Trình, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hoá. Chùa nhìn ra sông Lương, sau chùa có hang đá thông suốt từ phía đông sang phía tây. Cạnh chùa có tháp cửu phẩm liên hoa nhưng đã bị sụp đổ. Tĩnh Vương Trị Sâm có đề thơ vịnh cảnh chùa:
Phiên âm:
Sơn thuỷ hồi hoàn giác hữu tình,
Luân Huân thụy khí uỷ Bằng Trình.
Nhất diều thạch khiếu thông tà kính,
Cửu phẩm kim đài ỷ tiểu bình.
Thiên thị nhân quy sơ nguyệt thướng,
Ngư than kích độ vãn trào sinh.
Thử lai chính nghĩ trường phong thuỷ,
Thần bạch tùng xa tụng Thái Bình.
Dịch:
Non nước quanh co thật hữu tình,
Khí lành cuộn thổi bước hành trình.
Hang đá mở thông con đường dối,
Đài sen tựa vách núi chênh vênh.
Người về xóm chợ trăng non mọc,
Thuyền ghé bãi sông nước triều dềnh.
Xem ra cảnh vận dường tươi đẹp
Theo xe trẻ hát ngợi Thái Bình.
(Bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên)
Theo sự mô tả của các sách địa chí trước đây, chùa Thái Bình là một di tích nằm ở một vùng thắng tích nổi tiếng được người xưa ca tụng, về quy mô, ngoài chùa chính là nơi thờ Phật, chùa còn có cả tháp cửu phẩm Liên Hoa. Loại hình kiến trúc gồm có cả chùa và tháp cửu phẩm Liên Hoa trong các công trình tín ngưỡng trước đây thường nói lên quy mô to lớn của công trình.

Hiện nay, trải qua năm tháng thời gian những biến động của lịch sử chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời tiết, diện mạo của ngôi chùa đã bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại đất đai, nền móng và một số di vật. Năm 2002, bằng sự đóng góp của nhân dân trong vùng và du khách thập phương, một phần diện mạo của ngôi chùa đã được xây dựng lại nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Có thể nói, di tích thắng cảnh núi Bằng Trình và chùa Thái Bình xã Thiệu Hợp là di tích có giá trị về nhiều phương diện. Qua tìm hiểu, nghiên cứu về di tích, chúng ta biết được thêm nhiều tư liệu quý về lịch sử, văn hoá, kiến trúc ở vùng đất này. Giá trị của di tích này còn có tác dụng bồi dưỡng tinh yêu quê hương - đất nước con người cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau, đồng thời nó còn có giá trị hấp dẫn về du lịch của du khách đối với một vùng đất. Với tất cả những gì còn lại ở núi Bằng Trình và Chùa Thái Bình đều là vô giá, bởi vì đây là công trình nhân tạo và thiên tạo được gắn kết, hoà quện vào nhau rất độc đáo và thơ mộng, làm cho du khách đến một lần và nhớ mãi.
(Trích yếu: Lý lịch di tích LSVH chùa Thái Bình, xã Thiệu Hợp, năm 2008)
Thanh Mai