Làng bánh đa Đắc Châu: Hơn 100 năm giữ lửa nghề
Làng Đắc Châu, xã Tân Châu, nổi tiếng với nghề làm bánh đa truyền thống đã có lịch sử hơn 100 năm. Từ những nguyên liệu đơn giản như gạo tẻ và vừng, người dân nơi đây đã tạo ra sản phẩm bánh đa giòn, thơm, đậm đà hương vị quê nhà.
Page Content

Nằm bên bờ sông Chu, hình ảnh những phên bánh đa phơi đều trên các nếp tre, nứa dọc theo đường làng, ngõ xóm, sân nhà tạo nên khung cảnh bình dị và đặc trưng. Nghề làm bánh đa ở Đắc Châu chủ yếu dựa vào gạo và vừng. Gạo được chọn lọc kỹ lưỡng, thường là loại gạo quy năm. Sau khi ngâm nước khoảng 30 phút, gạo sẽ được xay thành bột và tráng mỏng trên nồi hơi. Vừng được rắc đều trên bề mặt, tạo nên những chiếc bánh thơm ngon, giòn rụm.

Các công đoạn làm bánh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Dù nhiều nơi đã cơ giới hóa quy trình, ở Đắc Châu, hầu hết các gia đình vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống. Điều này không chỉ giúp bánh ngon hơn mà còn giữ gìn hồn cốt nghề truyền thống.

Điều đáng mừng là nghề bánh đa không chỉ được gìn giữ bởi những người cao niên mà còn được tiếp sức bởi thế hệ trẻ. Họ lớn lên cùng mùi thơm của bánh mới và tiếng nướng giòn rụm. Nhiều hộ dân còn phát triển thêm sản phẩm bánh đa nem, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo thêm sinh kế cho người dân.

Hiện nay, bánh đa Đắc Châu chủ yếu được tiêu thụ tại Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Nhiều hộ đã liên kết sản xuất quy mô lớn, chú trọng cải tiến mẫu mã và bao bì, hướng đến tiêu chuẩn OCOP, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững.

Giữa dòng chảy hiện đại, những làng nghề như Đắc Châu vẫn giữ được hồn cốt truyền thống qua từng chiếc bánh đa. Hy vọng rằng mỗi lần thưởng thức bánh đa, mọi người sẽ cảm nhận được vị quê hương vừa thân quen, vừa tự hào./.
Quang Minh