Từ những cánh đồng quê lúa Thiệu Hóa, hạt gạo Japonica J02 mang thương hiệu Lam Sơn đã chinh phục thị trường quốc tế. Đó không chỉ là thành công của một doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Thanh Hóa trên hành trình hội nhập.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo với người dân, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đưa các giống lúa mới có chất lượng cao vào khảo nghiệm và nhân rộng. Qua đó, công ty đã đưa giống lúa Japonica J02 của Nhật Bản vào sản xuất quy mô lớn với 500ha trên đồng đất của huyện Thiệu Hóa. Vùng lúa được trồng theo quy trình nông nghiệp công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn VietGAP. Hạt gạo Japonica J02 tròn, bóng, khi nấu chín hạt cơm trắng ngà, dẻo thơm, vị đậm, hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, sản phẩm đã được công nhận là OCOP 4 sao cấp tỉnh – khẳng định uy tín và chất lượng của hạt gạo xứ Thanh.
Tháng 11/2024, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã xuất đi Singapore 300 tấn gạo, đạt giá trị 200.000 USD. Đây là lô gạo đầu tiên mang thương hiệu “made in Thanh Hóa” được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế với quy mô lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà còn mở ra hướng phát triển bền vững, nâng tầm giá trị hạt gạo Việt Nam nói chung và gạo xứ Thanh nói riêng.

Theo ông Trần Xuân Trung – Phó Giám đốc phụ trách thương mại xuất nhập khẩu, hiện công ty đã cơ bản hoàn tất thủ tục hợp tác với Công ty Kematsu của Nhật Bản và dự kiến trong tháng 6/2025 sẽ xuất lô hàng đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, trong năm 2025, công ty đã ký kết hợp đồng xuất khẩu từ 1.200 đến 1.500 tấn gạo sang nhiều thị trường châu Á tiềm năng như Hàn Quốc, Philippines và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Điều này cho thấy, chất lượng gạo Lam Sơn ngày càng được ghi nhận và có sức cạnh tranh cao tại những thị trường có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản.
Song song với việc phát triển thị trường xuất khẩu, công ty cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo cao cấp “Lam Sơn Japonica”, hướng đến các thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ. Để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, công ty đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng chế biến, bảo quản sau thu hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng để đưa hạt gạo Lam Sơn vươn xa hơn, đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường cao cấp.
Đặc biệt, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã khẳng định vai trò là “hạt nhân” trong mô hình liên kết “4 nhà” gồm doanh nghiệp – nông dân – nhà khoa học – nhà nước. Mô hình này hiện đang được triển khai hiệu quả tại nhiều xã của huyện Thiệu Hóa. Người dân không chỉ được hỗ trợ giống, vật tư đầu vào, mà còn được chuyển giao kỹ thuật canh tác hiện đại, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng, kiểm soát chất lượng ngay từ khâu gieo trồng. Đặc biệt, sản phẩm đầu ra được công ty bao tiêu với giá ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất và từng bước hình thành thói quen sản xuất hàng hóa lớn, bền vững.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu Japonica lên khoảng 1.000ha, tập trung xây dựng vùng lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của gạo Lam Sơn trên thị trường toàn cầu. Đây là chiến lược dài hạn, thể hiện rõ định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Sự thành công của Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong hành trình đưa gạo Thanh Hóa ra thị trường thế giới không chỉ là bước tiến vượt bậc trong hoạt động xuất khẩu nông sản, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, năng lực đổi mới và tinh thần tiên phong của doanh nghiệp địa phương. Gạo Japonica J02 – sản phẩm của vùng đất Thiệu Hóa – giờ đây không chỉ là nông sản chất lượng cao, mà còn là biểu tượng của sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, với khát vọng vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam và quốc tế.