Chủ tịch UBND huyện Hoàng Trọng Cường dự Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Tổng kết công tác PCTT, TKCN và PTDS năm 2024

Đăng ngày 21 - 05 - 2025
100%

Sáng ngày 21/5, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN và PTDS) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu UBND tỉnh, được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 26 huyện, thị xã, thành phố và các xã trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hoá.

Tại điểm cầu huyện Thiệu Hoá có các đồng chí: Hoàng Trọng Cường, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện chủ trì điểm cầu; Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự và tổ giúp việc của Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tại huyện.

Các đại biểu dự tại điểm cầu UBND huyện Thiệu Hoá.

Về công tác triển khai phòng ngừa, ứng phó trong năm 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp cơ bản đã triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về công tác PCTT, TKCN và PTDS; trong đó đã xác định PCTT, TKCN và PTDS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cấp bách, thường xuyên, liên tục; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả PCTT, TKCN và PTDS.

Công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về lực lượng làm công tác PCTT, TKCN và PTDS các cấp đã chủ động trong công tác triển khai nhiệm vụ, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi thời tiết, thiên tai, sự cố; có bản lĩnh, kinh nghiệm, luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Chính quyền các cấp đã bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch PTDS, ứng phó với các thảm họa, sự cố, PCTT và phương án ứng phó thiên tai; tổ chức diễn tập, huấn luyện triển khai các kế hoạch, phương án ở cấp cơ sở, đặc biệt là khu vực xung yếu, trọng điểm.

Trong các đợt mưa lũ, đã tổ chức tính toán theo dõi, thực hiện công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã, đặc biệt là các hồ Cửa Đạt, Trung Sơn đảm bảo an toàn công trình và góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về PCTT, TKCN và PTDS được thực hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội nên đã tiếp cận được đến cộng đồng người dân, qua đó đã nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Tuy nhiên, bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, như: vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong PCTT dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như tham gia giao thông qua các ngầm, tràn khi có mưa lũ lớn; đặc biệt là những trường hợp cố tình vượt rào gác để đi qua các khu vực tràn khi có lũ.

Một bộ phận các cấp chính quyền địa phương còn có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới công tác PCTT, thể hiện ở việc chuẩn bị PCTT mang tính hình thức, đối phó như việc chuẩn bị vật tư, kho vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thực hiện không đầy đủ nội dung của phương châm "4 tại chỗ", các phương án, kế hoạch PCTT không được rà soát, cập nhật theo tình hình thực tế…

Một số địa phương có các công trình đê điều trọng điểm xung yếu và hồ chứa mất an toàn nhưng công tác xây dựng và triển khai phương án bảo vệ chưa được quan tâm đúng mức; một số công trình PCTT đang thi công dở dang nhưng việc lập, phê duyệt các phương án đảm bảo an toàn cho công trình thi công trong mùa mưa, lũ không đảm bảo theo quy định và chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Công cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống tại vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.

Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình PCTT và một số công trình hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt...

Công tác xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và PCTT ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; hầu hết các địa phương chưa áp dụng hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực nêu trên nên còn thiếu tính răn đe. Việc phát quang mái đê và thanh thải vật cản trong lòng dẫn tiêu, thoát lũ còn nhiều hạn chế.

Khi có thiên tai, sự cố xảy ra, một số địa phương không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời tình hình thiệt hại, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành và khắc phục hậu quả.

Kết quả, năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 27 trận thiên tai (bao gồm: 3 cơn bão; 1 đợt rét hại; 5 trận lốc, sét; 8 đợt mưa lớn; 1 trận lũ quét; 1 trận động đất và 8 đợt nắng nóng diện rộng); 946 vụ tai nạn, sự cố (bao gồm 779 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, 94 vụ cháy trên đất liền, 4 vụ cháy rừng, 36 vụ tai nạn trên biển, 33 vụ đuối nước).

Đối với thiệt hại do thiên tai gây ra làm 3 người chết; 3 người bị thương; 1.064 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 42 điểm trường bị ảnh hưởng, hư hỏng; 5.321 ha lúa, 5.976 ha hoa màu, rau màu và cây hàng năm bị thiệt hại; 122 con gia súc, 3.170 con gia cầm bị chết; 11.493 m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh bị sạt lở, hư hỏng với chiều dài 2.650m (khối lượng ước khoảng 606.000 m3) và nhiều tài sản khác. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 1.104 tỷ đồng.

Đối với thiệt hại do tai nạn, sự cố gây ra làm 466 người chết, mất tích, 738 người bị thương, 11 phương tiện bị chìm, hư hỏng (trong đó 4 người chết do cháy, 44 người chết do đuối nước, 406 người chết do tai nạn giao thông, 12 người chết, mất tích trên biển).

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị các phương án, kịch bản và săn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiêt yêu tại các vùng miền, địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố, thảm họa; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, giảm thiếu thiệt hại…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu kết luận hội nghị (nguồn ảnh Báo Thanh Hoá)

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh: năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 trận thiên tai, 946 vụ tai nạn, sự cố gây thiệt hại nhiều về người và tài sản; nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, tai nạn, sự cố gây ra.

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 trận thiên tai cũng đã gây thiệt hại về tài sản và sản xuất cho các địa phương. Dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trong thời gian tới sẽ diễn biến rất phức tạp, bất thường và cực đoan.

Để chuẩn bị tốt công tác PCTT, TKCN và PTDS năm 2025, nhất là trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đồng chí yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xác định công tác PCTT, TKCN và PTDS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, sự cố; tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lúng túng; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó lấy phòng ngừa là chính nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, tai nạn, sự cố gây ra, giữ vững thành quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được.

Ngay sau khi hoàn thành việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, yêu cầu chính quyền cấp xã phải khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của cơ quan tham mưu, chỉ huy điều hành PCTT, TKCN và PTDS của địa phương, đảm bảo theo quy định; tuyệt đối không để khoảng trống trong công tác chỉ huy điều hành, nhất là trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ năm 2025.

Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với các thảm họa, sự cố, kế hoạch PCTT và phương án ứng phó thiên tai năm 2025 sát với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thành trước ngày 10/6/2025. Ngoài ra, phải chú trọng việc thực hành diễn tập, huấn luyện triển khai các kế hoạch, phương án ở cấp cơ sở.

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa bàn xung yếu (đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; các trọng điểm đê điều, hồ đập; các vị trí đã xảy ra sự cố nguy hiểm do thiên tai năm 2024 gây ra) để sẵn sàng triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố, tai nạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Chủ động, sẵn sàng triển khai ứng phó ngay khi có thiên tai, sự cố xảy ra; tập trung huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời tổ chức ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra; sau thiên tai, sự cố, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời các giải pháp để khắc phục khẩn trương thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống công trình đê điều, hồ đập và các công trình PCTT khác, đặc biệt là các vị trí trọng điểm, xung yếu, các công trình hư hỏng, mất an toàn và các công trình đang thi công dở dang, kịp thời phát hiện các sự cố mới phát sinh, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình để kịp thời tu sửa hoặc xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ; các địa phương miền núi phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong năm 2025.

Thực hiện nghiêm chế độ trực ban theo quy định; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống. Thống kê, đánh giá thiệt hại, báo cáo kịp thời, đúng quy định khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh cần phát huy vai trò trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình các địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác PCTT, TKCN và PTDS. Báo cáo kịp thời Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.

Về phòng ngừa rủi ro, tai nạn, nhất là đuối nước, đồng chí nhấn mạnh: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng ngừa tai nạn, đuối nước cho học sinh và người dân, không để xảy ra thiệt hại về người do chủ quan, bất cẩn.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng cho 18 tập thể và 25 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Thanh Hoá năm 2024./.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Trường Mầm non thị trấn Vạn Hà tổ chức cho trẻ thăm quan trường tiểu học (22/05/2025 2:47 CH)

    Trường Mầm non Thiệu Chính tổ chức chương trình hoạt động trãi nghiệm “ Tôi yêu Việt Nam”Bé với...(22/05/2025 2:38 CH)

    Trường mầm non Thiệu Hòa nhiều hoạt động trải nghiệm cho trẻ (22/05/2025 2:21 CH)

    Thiệu Hóa triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính cấp xã và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nhiệm...(22/05/2025 2:00 CH)

    Chủ tịch UBND huyện Hoàng Trọng Cường dự Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Tổng kết công tác PCTT,...(21/05/2025 5:52 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    329 người đã bình chọn
    °
    1285 người đang online