Từ một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động theo mô hình truyền thống, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Thiệu Hưng, xã Thiệu Hóa đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa. Không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân, HTX còn là hình mẫu tiêu biểu cho tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại, gắn với thị trường và phát triển bền vững.
Mô hình trồng dưa vàng của HTX Thiệu Hưng
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX, trước khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động của HTX còn manh mún, hiệu quả thấp. Tuy nhiên, sau khi được tổ chức lại vào năm 2015, với quyết tâm đổi mới toàn diện, HTX Thiệu Hưng đã từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng mô hình sản xuất và dần khẳng định vai trò là “đầu tàu” thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
Tận dụng các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là từ năm 2018, HTX đã mạnh dạn triển khai các mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại. Một trong những dấu mốc quan trọng là việc đầu tư xây dựng nhà màng công nghệ cao. Nhờ sự hỗ trợ từ địa phương và sự đồng thuận của xã viên, đến năm 2019, HTX đã xây dựng 0,5ha nhà màng đầu tiên cho quá trình chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang công nghệ cao.
Không dừng lại ở đó, HTX tiếp tục phát triển các dịch vụ kinh doanh có tính cạnh tranh như điện năng, tín dụng nội bộ, cung ứng giống chất lượng cao, đồng thời vận động thành viên tích cực dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để tạo quỹ đất thuận lợi cho cơ giới hóa sản xuất. HTX cũng tiên phong trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, đảm bảo đầu ra ổn định cho các loại nông sản chủ lực như dưa vàng kim hoàng hậu và dưa chuột baby.
Chị Lê Thị Thắm, một hộ dân tại tiểu khu phố 4, xã Thiệu Hóa chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình sản xuất CNC của HTX, tôi không chỉ có công việc ổn định mà còn học được nhiều kỹ thuật sản xuất mới. Gia đình tôi giờ đã đầu tư 500m2 nhà màng để trồng rau an toàn, thu nhập mỗi vụ cải thiện đáng kể”.
Tính đến nay, HTX DVNN Thiệu Hưng đã đầu tư hơn 6,3 tỷ đồng xây dựng 8 nhà màng với tổng diện tích gần 1,3 ha, mỗi năm cho ra khoảng 170 -180 tấn dưa các loại, mang lại lợi nhuận 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Cùng với đó, HTX còn tham gia hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn mở rộng sản xuất cho nhiều hộ dân, góp phần tạo việc làm ổn định tại chỗ cho hàng chục lao động địa phương.
Từ năm 2024, HTX tiếp tục thử nghiệm đưa giống nho sữa Hàn Quốc vào trồng. Một số diện tích đã bắt đầu cho quả, bước đầu cho thấy tiềm năng phát triển lớn. HTX cũng chủ động kết nối tiêu thụ nông sản qua hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Song song với hoạt động sản xuất, HTX DVNN Thiệu Hưng còn tích cực phối hợp với chính quyền xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 25,5 ha. Đơn vị cũng tham mưu mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm, tích cực quảng bá nông sản thông qua hội chợ, hội thảo và nền tảng số do tỉnh vận hành.
Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, HTX đã có hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: “Dưa vàng Vạn Hà” và “Dưa chuột baby Vạn Hà”, được tiêu thụ ổn định theo chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh. Doanh thu bình quân hàng năm của HTX đạt trên 25,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng duy trì trên 15%/năm.
Từ sự năng động trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng cao doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho thành viên, người lao động, HTX DVNN Thiệu Hưng đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, HTX đã vinh dự đạt danh hiệu Ngôi sao HTX năm 2024 do Liên minh HTX Việt Nam bầu chọn, và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh tế tập thể giai đoạn 2020-2025.