Chiều ngày 15/7/2025, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiểu, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hóa đã có buổi làm việc với Trưởng ban Quản lý các chợ trên địa bàn xã nhằm nắm bắt và đánh giá tình hình hoạt động, công tác quản lý cũng và việc đầu tư cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hiểu chủ trì buổi làm việc
Theo báo cáo, trên địa bàn xã hiện có 6 chợ là: chợ Vạn Hà, chợ chiều Vạn Hà, chợ Thiệu Phú, chợ Thiệu Nguyên, chợ Vược và chợ Quán Trổ. Trong đó, chợ Vạn Hà, với 142 ki-ốt do UBND thị trấn Vạn Hà (cũ) đầu tư, dù hoạt động bình thường nhưng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, từng bị Công an tỉnh xử phạt trong các năm 2024 và 2025. Do chợ không thuộc quy hoạch nên việc nâng cấp gặp nhiều khó khăn.
Chợ chiều Vạn Hà với 24 ki-ốt hoạt động chủ yếu vào buổi chiều cũng đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông do chợ họp gần khu dân cư và đường đông người qua lại. Chợ Thiệu Phú, Thiệu Nguyên, chợ Vược và chợ Quán Trổ đều duy trì hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý tại một số chợ trên địa bàn xã Thiệu Hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức, sắp xếp các khu vực buôn bán chưa hợp lý, thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng tiểu thương tự ý lấn chiếm lòng lề đường, buôn bán ngoài khu vực quy định. Nhiều điểm bán hàng tự phát hình thành ngay bên ngoài chợ, không thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý, gây khó khăn cho công tác điều hành, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến trật tự công cộng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt tại các chợ nằm gần trục đường đông dân cư như chợ chiều Vạn Hà, mất mỹ quan, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại diện Ban Quản lý các chợ phát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Hiểu, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hóa, nêu rõ: Các chợ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý tại một số chợ còn bất cập, cần sớm chấn chỉnh và khắc phục để đảm bảo hoạt động ổn định, nền nếp, an toàn và đúng quy định.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hiểu kết luận buổi làm việc
Đối với chợ Vạn Hà, do có số lượng tiểu thương đông, cần tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, nhưng phải kiên quyết chấn chỉnh tình trạng tự ý xây dựng bên trong chợ; chỉ được phép cải tạo các hạng mục thiết yếu phục vụ vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. Các ki-ốt cần được bố trí hợp lý, khoa học, đảm bảo mỹ quan, đồng thời dẹp bỏ hoàn toàn các điểm bán hàng trái phép ngoài khu vực chợ.
Tại chợ chiều Vạn Hà, yêu cầu Ban Quản lý chợ nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng họp chợ lấn ra lòng đường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bày bán hàng hóa ngoài phạm vi quy định. Các trường hợp vi phạm phải được xử lý dứt điểm để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị.
Với chợ Thiệu Phú, một chợ truyền thống nằm trên tuyến Quốc lộ 45, đồng chí lưu ý không được cơi nới, mở rộng, đồng thời tăng cường quản lý, không để người dân lấn ra đường họp chợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tại chợ Thiệu Nguyên, yêu cầu Ban Quản lý chợ tiếp nhận và quản lý chặt chẽ các ki-ốt được xây dựng bên ngoài khu vực chợ. Các chợ Quán Trổ và chợ Vước cũng phải tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự công cộng và hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch UBND xã đề nghị Ban Quản lý các chợ thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ chức phun khử khuẩn định kỳ, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông. Các phòng chuyên môn của xã có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý các chợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong ký kết và thực hiện hợp đồng thuê mặt bằng; đề nghị cán bộ thôn, lực lượng an ninh trật tự cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tụ tập buôn bán tại các điểm chợ tự phát trong khu dân cư. Công an xã cần phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý và giải tỏa các chợ cóc, điểm họp chợ không đúng quy định, nhằm từng bước lập lại trật tự trong hoạt động buôn bán trên địa bàn.
Việc tăng cường quản lý các chợ không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài, nhằm đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và hướng tới xây dựng nếp sống văn minh thương mại trong cộng đồng dân cư.