Thiệu Trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với Du lịch

Đăng ngày 28 - 10 - 2022
100%

Làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân nhất là ở khu vực nông thôn, mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền của một địa phương, một dân tộc. Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép: Vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), không chỉ nổi tiếng là vùng vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi sinh ra những anh hùng hào kiệt như: Nhà sử học Lê Văn Hưu, Bộc xà tướng công Lê Lương … Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi đặt hầm chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống đế cuốc Mỹ xâm lược mà còn vang danh với làng nghề đúc đồng truyền thống cực kỳ tinh xảo.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu tại thôn 3, xã Thiệu Trung

Nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè) đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy cho tới ngày nay. Kinh nghiệm trong nghề đúc đồng thường được truyền trong gia đình, không được truyền sang làng khác vì thế từ bao đời nay, làng Trà Đông, thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá là nơi duy nhất ở Thanh Hoá lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Mỗi sản phẩm được tạo ra không chỉ là hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ, kết tinh sự sáng tạo, tinh thần lao động của người làm nghề.

Đền Trà Đông nơi thờ ông Tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không, tại thôn 6 xã Thiệu Trung

Khách du lịch đến với làng Trà Đông không chỉ để tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà trên hết là để thưởng thức tinh hoa nghề của những nghệ nhân với bàn tay khéo léo, tài hoa cùng với những bí kíp nghề quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ.... Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến với làng nghề còn có thể trải nghiệm, tham gia vào quá trình sản xuất, vào một số công đoạn chế tác ra các sản phẩm như: Trống đồng, tranh đồng, chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ… để hiểu rõ thêm về văn hóa làng nghề.

Nghệ nhân làng Trà Đông đang tạo hoa văn cho khuôn đúc

Đến nay, toàn xã có 32 hộ đăng ký vào làng nghề đúc đồng truyền thống, thủ công mỹ nghệ để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Thiệu Trung có hai sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là Trống đồng Bảy Tuyên và Tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên.

Các nghệ nhân đang rót đồng vào khuôn đúc và sản phẩm Trống đồng sau khi được hoàn thiện

Với hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt 57,02 triệu đồng/người/năm.

Sản phẩm đồ đồng truyền thống được trưng bầy giới thiệu tại làng nghề Trà Đông

Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Tùng tự hào chia sẻ: “Là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, chúng tôi luôn ý thức việc bảo tồn cũng như phát huy các giá trị văn hóa, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề, tạo ra những sản phẩm truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, xã rất chú trọng phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Mỗi năm xã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan”.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo huyện Thiệu Hóa thăm gian trưng bầy sản phẩm đúc đồng của Nghệ nhân Lê Văn Bảy tại triển lãm kỷ niệm 700 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu vào tháng 4/2022

Năm 2018, nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông, xã Thiệu Trung được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Để phát triển làng nghề truyền thống gắn với Du lịch, xã Thiệu Trung luôn chú trọng tới việc khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề.

Trống đồng của Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao (nguồn ảnh từ Báo Thanh Hóa)

Du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, mua sản phẩm đồ đồng của làng nghề Trà Đông

Đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về phát triển Du lịch gắn với làng nghề đúc đồng truyền thống. Liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch xây dựng các tuyến, điểm, phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch gắn với làng nghề. Khuyến khích người dân sử dụng, trưng bày các sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông… Việc định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đem lại lợi ích lớn, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực để xã Thiệu Trung sớm về đích Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022./.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Thiệu Trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với Du lịch(28/10/2022 8:59 SA)

    Thiệu Phú xây dựng Nông thôn mới nâng cao trở thành điểm đến du lịch (27/10/2022 3:56 CH)

    Thiệu Nguyên hứa hẹn một điểm du lịch sinh thái trải nghiệm ven Sông (17/10/2022 4:42 CH)

    THIỆU LONG ĐIỂM DU LỊCH TRONG TƯƠNG LAI(11/10/2022 9:00 SA)

    THIỆU TRUNG KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN(07/10/2022 11:20 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    316 người đã bình chọn
    °
    403 người đang online