Trong những năm qua, cán bộ, hội viên, nông dân huyện Thiệu Hóa luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.
Trong phát triển nông nghiệp, Hội nông dân trong huyện phát triển theo hướng tập trung, tích tụ ruộng đất, liên kết, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng. Năm 2023 đạt 138 triệu đồng, sản lượng lương thực tăng đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, góp phần quan trọng vào phát triển nông thôn và ổn định xã hội. Chương trình liên kết sản xuất đạt 996,5 ha, tích tụ 640 ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phát triển mô hình sản xuất rau an toàn tập trung lên 42 ha; tiếp tục duy trì 10,61 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau củ, quả an toàn.
Phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại tiếp tục duy trì; toàn huyện có 17 trang trại chăn nuôi; đàn trâu bò ước khoảng 7935 con, đàn lợn 14.517 con, đàn gia cầm 831 nghìn con. Vận động nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các đợt tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm và tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP có 22 sản phẩm được đánh giá xếp hạng, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông lâm thủy sản ước đạt 18,6%; công nghiệp và xây dựng ước đạt 54,9%, dịch vụ ước đạt 26,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,2 triệu đồng. Những thành tựu đạt được trong nông nghiệp góp phần vào tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 16,72% năm 2022 đứng thứ 6 toàn tỉnh,

Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã trở thành phong trào sâu rộng toàn huyện, thu hút được nguồn lực lớn của toàn xã hội, đặc biệt là trong các tầng lớp nông dân và đem lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, khang trang, nông dân thi đua hiến đất, hiến công trình để mở rộng đường giao thông, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước; hệ thống điện được chỉnh trang và lắp đặt chiếu sáng từng đường thôn, ngõ xóm; 100% số xã được sử dụng nước sạch; 100% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến nay huyện Thiệu Hoá có 01 xã NTM kiểu mẫu, 05 xã NTM nâng cao, 27 thôn NTM kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi.
Công tác tuyên truyền các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Hội và của địa phương, đặc biệt là các Nghị quyết lớn của Đảng, các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được các cấp Hội triển khai kịp thời đến hội viên, nông dân. Bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú, Hội Nông dân đã tổ chức triển khai tuyên truyền thông qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến, trên hệ thống phát thanh. Trong 5 năm, 100% cán bộ Hội chủ chốt được tham gia học tập Nghị quyết của Đảng và của Hội các cấp, Hội đã tổ chức được 06 lớp triển khai học tập Nghị quyết của Đảng các cấp và của Hội các cấp cho gần gần 1000 lượt cán bộ hội; tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt chi hội, tổ nhóm, câu lạc bộ 835 buổi cho 85.000 lượt người tham gia; cấp phát hơn 10 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng NTM. Đặc biệt, ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam (14/10), 100% chi Hội tổ chức các hoạt động như: Tọa đàm kỷ niệm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức giải Bóng chuyền hơi, giải bóng chuyền Bông lúa vàng, tiêu biểu như: Hội Nông dân xã Thiệu Quang, Thiệu Long, Thiệu Vận, Thiệu Hoà, Thiệu Trung...Tham gia Hội thao giải bóng chuyền Bông lúa vàng, hội thi "Nhà nông tài giỏi" cấp tỉnh được Tỉnh Hội đánh giá cao.
Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của hội viên, nông dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Các ý kiến, tâm tư nguyện vọng đề xuất của hội viên, nông dân được phản ánh kịp thời với cấp có thẩm quyền, qua đó càng củng cố thêm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường vị thế của tổ chức Hội trong thực hiện công cuộc đổi mới và thời kỳ CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, điển hình là các đơn vị: Hội Nông dân thị trấn Thiệu Hoá, Hội Nông dân các xã Thiệu Trung, Thiệu Long, Thiệu Hoà, Thiệu Ngọc, Minh Tâm ...
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội và triển khai thực hiện Nghị quyết đến 100% chi Hội và hội viên, nông dân. Cụ thể hóa các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội thành chương trình hành động toàn khóa, kế hoạch hành động trọng tâm hằng năm. Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ.
Công tác kết nạp hội viên mới được Hội triển khai thực hiện phù hợp với tình hình nông dân trong giai đoạn hiện nay, nhất là hình tập hợp nông dân thành các tổ, nhóm sản xuất, vay vốn, tiết kiệm, câu lạc bộ..., Hội đã kết nạp 2066 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 20.656 hội viên, đạt 96% so với tổng số lao động trong nông, lâm, thủy sản. Công tác thu nộp Hội phí luôn hoàn thành chỉ tiêu của tỉnh, huyện hằng năm; 100% chi Hội xây dựng được quỹ Hội do hội viên tự nguyện đóng góp trong đó quỹ Hội thấp nhất là 200.000 đ/ hội viên, cao nhất 1.500.000 đ/ hội viên; việc quản lý và sử dụng quỹ Hội thực hiện đúng Điều lệ Hội. Trong nhiệm kỳ, đã thành lập 13 chi Hội, 30 tổ Hội nghề nghiệp, đạt 100% Kế hoạch Tỉnh hội giao; các chi, tổ Hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Hội đã kịp thời kiện toàn bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở đảm bảo đúng Điều lệ Hội và quy trình công tác cán bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ được coi trọng; các cấp hội đã tham mưu cấp ủy cùng cấp tiến hành quy hoạch cán bộ hội gắn với quy hoạch cán bộ của Đảng. Trong nhiệm kỳ, có 1.220 lượt cán bộ các cấp được tham gia 20 lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày, dài ngày do Trung ương, Tỉnh và huyện tổ chức, 100% đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt từ huyện đến cơ sở đều được cập nhật kiến thức. Chất lượng cán bộ Hội tiếp tục được nâng lên, 100% Chủ tịch Hội cơ sở có trình độ chuyên môn Đại học, lý luận chính trị Trung cấp.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội hàng năm được duy trì. Kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật Hội được công khai, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên, nông dân và Nhân dân. Thông qua kiểm tra, giám sát của Hội đã giúp cho Ban Thường vụ Hội các cấp có biện pháp chỉ đạo nhằm hạn chế tồn tại và tổ chức thực hiện các phong trào nông dân hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Công tác thi đua, khen thưởng được các cấp hội đều gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính chính trị về tiếp tục “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”. Hằng năm, Ban Chấp hành Huyện hội điều hướng dẫn các cấp Hội về nội dung, hình thức, tiêu chuẩn, tổ chức, phát động, đăng ký thi đua, bình xét đúng quy định, bổ sung tiêu chí thi đua và quy định khen thưởng theo đúng Luật Thi đua khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay từ ở cơ sở; tổ chức tổng kết, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân kịp thời trong hệ thống Hội và đề nghị Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp khen thưởng xứng đáng. Trong nhiệm kỳ, BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 03 cá nhân, hơn 50 Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”; BCH HND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 09 cho tập thể và 13 cá nhân; Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen cho 165 cho tập thể và hơn 165 cá nhân là cán bộ, hội viên nông dân đã có nhiều thành tích đóng góp cho công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD) tiếp tục phát triển nâng cao về số lượng và chất lượng, có sức lan tỏa rộng rãi và trong nhiều lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Với vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “dồn điền, đổi thửa” tạo vùng sản xuất tập trung; tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật…; tín chấp cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đến năm 2022, có 16.000 hộ đăng ký, có 9.600 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, đạt tỷ lệ 60%, đến năm 2022 số hộ SXKD giỏi có mức thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm, tăng 100 triệu đồng/năm so với năm 2018, nhiều hộ có mức thu nhập đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm trở lên
Phong trào SXKD giỏi đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức: giúp về vốn, giống, ngày công lao động, về cách làm ăn… Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 20 nghìn lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hàng nghìn lượt hộ nông dân; giúp hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn dưới 1,33%. Phong trào đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao giá trị thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân, đến năm 2022 thu nhập bình quân đạt 55,2 triệu/người/năm.
Các cấp Hội thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình của cán bộ, hội viên, nông dân về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể trong huyện, đề xuất, kiến nghị các cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho kinh tế tập thể của huyện phát triển bền vững. Bằng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội trong huyện đã xây dựng hàng trăm mô hình kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, kinh doanh gắn với việc phát triển, tổ hợp tác, tiêu biểu như: Hợp tác xã nuôi cá Minh Tâm; HTX trồng dưa trong nhà màng thị trấn Thiệu Hóa, tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt Thiệu Long,… từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội đã hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 03 hợp tác xã, hướng dẫn chỉ đạo thành lập 13 tổ hợp tác. Việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác đã giúp các hộ tham gia có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hạ giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Các cấp Hội đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp phân bón trong và ngoài huyện như Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, Thần Nông để tín chấp cho nông dân mua phân bón theo hình thức chậm trả, không lãi, hằng năm trên 2000 tấn phân bón các loại, với chất lượng đảm bảo.
Các cơ sở Hội còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; cung ứng hàng trăm tấn giống, hàng ngàn cây con giống các loại có chất lượng cho hội viên, nông dân.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện ủy thác cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách; Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tín chấp cho các hộ nông dân vay vốn thông qua tổ không phải thế chấp, nguồn vốn ngày càng tăng và hiệu quả. Tính đến 31/12/2022, tổng dư nợ thông qua tổ chức Hội quản lý đạt 617 tỷ đồng, có 233 tổ và 8.209 hộ còn dư nợ vốn vay
Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, nâng tổng số quỹ hỗ trợ nông dân đến nay lên 1.526 triệu đồng, đã giúp cho trên 100 lượt hộ nông dân vay để sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập ổn định đời sống cho cán bộ, hội viên. Hội đã thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn QHTND Trung ương, tỉnh 1.800 triệu đồng, thông qua nguồn QHTND các cấp, Hội đã thành lập được 13 chi hội, 30 tổ hội nghề nghiệp, các chi tổ hội nghề nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả.
Phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM được các cấp Hội quan tâm, chỉ đạo, động viên cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng và tích cực tham gia với những việc làm thiết thực, cụ thể như: Tuyên truyền vận động hội viên, nông dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung các tiêu chí và trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong 5 năm các cấp hội đã xây dựng hơn 100 mô hình, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao, đóng góp 2.500 triệu đồng, hàng chục ngàn ngày công; tu sửa và làm mới 1.200 km đường giao thông nông thôn, kênh mương và 66 công trình cầu cống, phòng học, công trình điện các loại, toàn huyện hiến hơn 30.000m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng được 167 mô hình nông dân tham gia thu gom rác thải tại các thôn; Tổ chức thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã Thiệu Nguyên, Thiệu Ngọc, Thị trấn Thiệu Hóa, kết quả đã tuyên truyền, vận động cho hằng nghìn hộ nông dân tham gia, hỗ trợ 230 thùng nhựa phân loại rác thải, hỗ trợ gần 1.000 kg chế phẩm sinh học cho thực hiện xử lý rác thành phân bón hữu cơ và xử lý mùi hôi trong chăn nuôi; tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng, đến nay, 100% các xã, thị trấn đã xây dựng trên 2.200 bể bê tông thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Phối hợp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tự nguyện, đã vận động được 18.653 lượt người tham gia bảo hiểm y tế thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội...
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cấp Hội đã triển khai sâu rộng các nội dung về xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, làng, tiểu khu văn hóa...; bình quân mỗi năm có 95% trở lên hộ nông dân đăng ký và có trên 90% hộ đạt gia đình nông dân văn hóa. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao như: “Nhà nông đua tài”, hội thi “Tuyên truyền viên giỏi”, các giải Cầu lông, giải Bóng chuyền,... tạo sân chơi bổ ích, thu hút được đông đảo nông dân tham gia, giao lưu giữa các thôn, làng, tiểu khu, giữa các xã, thị trấn... Thông qua các hoạt động đã tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, tính tự quản trong cộng đồng; nội lực được phát huy; tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hằng năm, các cấp Hội đều đưa chỉ tiêu công tác giúp thoát nghèo là một trong những chỉ tiêu thi đua đánh giá xếp loại của Hội; chỉ đạo cơ sở Hội lập danh sách đăng ký giúp hộ nông dân thoát nghèo; có 100% các xã, thị trấn đều đăng ký tham gia, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà cho hội viên, nông dân là hộ nghèo với tổng số tiền 100 triệu đồng. Hỗ trợ cho 100 lượt hội viên, nông dân phát triển sản xuất bằng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp…Thông qua các hoạt động hỗ trợ nông dân Hội đã giúp cho 420 hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 1,32%’
Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với BCH Quân sự huyện về công tác đảm bảo quốc phòng, đặc biệt là công tác tuyển quân; huấn luyện dân quân; dự bị động viên; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng cơ sở vững mạnh. Ký kết chương trình phối hợp hàng năm với Công an huyện về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; luôn cảnh giác và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” và “bạo loạn lật đổ” lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng của các thế lực thù địch. Tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên; động viên con, em lên đường bảo vệ Tổ quốc đủ và vượt chỉ tiêu giao; vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông…Qua đó, góp phần đáng kể giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Với những kết quả đạt được, thể hiện vị trí, vai trò trung tâm, nòng cốt của nông dân trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Hội Nông dân ngày càng được thể hiện rõ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện./.