Chiều ngày 2-6, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Trọng Cường, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Ban tổ chức các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu; bàn nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và hướng tổ chức trong các năm tiếp theo.

Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí Đỗ Thế Bằng, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; Nguyễn Duy Thứ, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ; các thành viên Ban tổ chức các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Nhân 701 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu, từ ngày 11/5 đến 13/5 (tức ngày 22/3 đến 24/3 năm Quý Mão), tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Lễ dâng hương, rước kiệu diễn ra tại khu mộ và Đền thờ Lê Văn Hưu được tổ chức vào sáng ngày 12-5 (tức ngày 23-3) diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Phòng Văn hoá và thông tin phối hợp với Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh, trung tâm tổ chức sự kiện tổ chức lễ dâng hương, đọc Chúc văn, tế lễ theo nghi thức truyền thống.
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc được tổ chức trước khi diễn ra sự kiện chính, như: Đêm giao lưu văn nghệ quần chúng có 6 xã, thị trấn tham gia; giải Bóng chuyền hơi các câu lạc bộ mở rộng năm 2023 với sự tham gia của 16 đơn vị, xã, thị trấn, thu hút 250 vận động viên tham gia. Các trò chơi, trò diễn dân gian cờ bãi, cờ bàn, kéo co, bịt mắt bắt vịt, thi nấu cơm nồi đất diễn ra sôi nổi, thu hút được đông đảo người dân ở 6 thôn của xã Thiệu Trung tham gia.

Hội chợ giới thiệu sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông, các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực huyện Thiệu Hóa năm 2023 được tổ chức thành công tại khu làng nghề của xã Thiệu Trung với 45 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của 5 xã, thị trấn, doanh nghiệp và các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân và Yên Định. Các sản phẩm tham gia trưng bày có chọn lọc, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của đông đảo nhân dân và du khách thăm quan.

Công tác tuyên truyền, quảng bá được tổ chức sôi nổi, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, pa nô, hồng kỳ, cờ phướn tại trung tâm huyện, xã Thiệu Trung và trên tuyến đường Quốc lộ 45.

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức cho trên 3.000 lượt giáo viên và học sinh dâng hương, dâng hoa, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích.

Qua đánh giá, chuỗi hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu được tổ chức thành công, trang trọng, ý nghĩa, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đây là dịp tưởng nhớ công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử dân tộc - nhà sử học đầu tiên của nước ta, người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam (bộ “Đại Việt Sử ký”). Đồng thời tiếp tục bổ sung nguồn tư liệu, góp thêm tiếng nói về thân thế, sự nghiệp của nhà sử học Lê Văn Hưu trong triển khai lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ; nâng cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tuy nhiên, trong công tác tổ chức các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu, đó là hạng mục dự án Đền thờ chậm hoàn thành. Công tác thông tin truyên truyền của một số xã chưa tốt.Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho lễ dâng hương, và các hoạt động còn hạn chế, chưa có phương án đảm bảo khi thời tiết bất thường. Hội chợ chưa thu hút được du khách ở địa phương khác tham gia…
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Đỗ Thế Bằng biểu dương, đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện của Ban tổ chức, các thành viên, các ngành liên quan và xã Thiệu Trung đã tổ chức thành công các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu. Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và định hướng trong thời gian tới để tổ chức các hoạt động được thành công.

Đồng chí đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chuẩn bị các nội dung theo các thủ tục quy định để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận lễ hội Đền thờ Lê Văn Hưu là lễ hội truyền thống. Trong các năm tiếp theo cần tổ chức giải thể thao cup Lê Văn Hưu và Hội chợ triển lãm mở rộng quy mô. Xã Thiệu Trung và Hội đồng dòng họ Lê xây dựng quỹ khuyến học Lê Văn Hưu; tiếp tục duy trì các hoạt động mang tính chất thường xuyên, làng nghề cần nghiên cứu các sản phẩm đúc đồng gắn với giá trị tâm linh phục vụ khách du lịch.

Cũng tại hội nghị tổng kết, có 6 tập thể, 6 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng có nhiều thành tích trong công tác tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu.