Đền thờ Đinh Lễ tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của danh tướng Đinh Lễ — một vị tướng tài ba, trung dũng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống giặc Minh dưới triều vua Lê Lợi. Đền thờ không chỉ là nơi tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của ông đối với quê hương, đất nước mà còn là công trình kiến trúc văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân Thiệu Hóa nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Ngày nay, đền thờ Đinh Lễ là điểm đến linh thiêng, thu hút đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, tham quan và tìm hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Đinh Lễ xuất thân từ gia đình có nhiều đời làm quan, cụ tổ là Đinh Thỉnh, làm quan đến chức Thái úy, được tặng Mục Huệ Đại Vương.
Năm Mậu Tuất 1418, vâng lệnh vua, Đinh Lễ sang Ai Lao (Lào) xin viện trợ quân lương để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Năm 1419, ông cầm quân đánh giặc ở Lạc Thủy, trận này cánh quân đã chém chết hàng nghìn tên giặc.
Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, danh tướng Đinh Lễ đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp công trong chiến thắng chống lại ách thống trị của nhà Minh xâm lược.
Tháng 7 năm Canh Tý (1420) ông tiếp tục phục binh ở xứ Bồ Mộng, đại thắng quân giặc, cùng năm đó ông được Bình Đinh Vương phong làm Tư không. Năm Mậu Tuất (1421).
Theo một số tài liệu ghi chép, năm Ất Tỵ (1425) khi vua Lê Lợi đang bao vây thành Nghệ An, biết thành Diễn Châu ở bắc Nghệ An lâu nay bị cô lập không liên lạc được với thành Nghệ An. Đinh Lễ được sai đem quân đánh chiếm, quân giặc chạy tan tác…

Một trong những chiến công vang dội, làm nên tên tuổi của danh tướng Đinh Lễ, có lẽ là chiến thắng Vương Thông ở Tốt Động - Chúc Động. Mùa thu năm Bính Ngọ (1426) từ Nghệ An, Lê Lợi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Minh ở phía bắc, tiêu diệt 6 vạn tên giặc. Vương Thông, Phương Chính, Sơn Thọ thua trận liền liều mình tháo chạy. Chiến công nối tiếp chiến công, ông được phong tặng Tư Đồ Đại tướng quân. Giữ chức vụ Long Bình Toản Hóa, Đại vương nhập nội tư hành khiển.
Trong “Văn tài võ lược xứ Thanh”, có viết “ vào tháng 2 năm 1427, quân Lam Sơn chia nhau vây hãm thành Đông Quan, sau khi vua Lê Lợi chuyển dinh từ Tây Phù Liệt sang Đông Phù Liệt, rồi lại sang dinh Bồ Đề thì tướng Lê Nguyễn được giao chốt giữ Tây Phù Liệt. Vương Thông cho quân tập kích vào các đồn trạm của nghĩa quân Lam Sơn. Tháng 2 năm 1427, tập kích trại Lê Triện ở Cảo Động (nay là Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội), Lê Triện bị tử trận, Đỗ Bí bị bắt. Đầu tháng 3 năm 1427, chúng lại đánh trại Lê Nguyễn ở My Động (Mai Động ngày nay). Tại My Động, Vương Thông thấy quân Lam Sơn quân số ít, lại chưa có viện binh đến tiếp ứng, bèn phản công. Đinh Lễ và Nguyễn Xí cưỡi voi xung trận, không ngờ voi bị sa lầy bùn sâu, không rút chân lên được, Vương Thông thét quân bắt được cả hai tướng Lam Sơn, đem về thành Đông Quan. Tại đây, Đinh Lễ bị giết hại, Nguyễn Xí bị giam, sau trốn thoát trở về”...

Là một vị tướng tài năng, sau khi Đinh Lễ mất, Bình Định Vương vô cùng thương xót, phong là Nhập nội Thiếu úy, tước Á hầu, trong luận công ban thưởng, ông được phong Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ. Đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Đinh Lễ được gia phong Thái sư Bân quốc công, về sau được tấn phong Hiển Khánh vương…Ngoài Đinh Lễ, hai em trai là Đinh Bồ, Đinh Liệt đều là người có tài thao lược, dốc lòng phò tá nhà Lê.
Đền thờ Đinh Lễ được công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia,tại Quyết định số 921 QĐ/BT ngày 20 tháng 7 năm 1994.
(Trích yếu: Lý lịch di tích Lịch sử - Văn hóa đền thờ Đinh Lễ, năm 1994)