Con đường liên xã chạy dọc qua những cánh đồng lúa xanh mướt đưa chúng tôi đến với làng cách mạng Yên Lộ trên quê hương Thiệu Vũ. Nơi đây từng là địa phương hoạt động cách mạng sôi nổi, ghi dấu ấn đậm nét về cuộc đời và sự nghiệp của những bậc lão thành cách mạng tiêu biểu. Người xưa đã khuất bóng nhưng những di tích nơi đây vẫn hiện hữu, nhắc nhở các thế hệ cháu con về truyền thống đáng trân trọng, tự hào của cha ông.

Di tích Nhà lưu niệm ông Lê Chủ, trước kia là nhà ở của gia đình ông Lê Chủ - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa những năm 1934; 1936; 1939; 1945. Đây là nơi đã diễn ra nhiều Hội nghị của Tỉnh Đảng bộ, tổ chức các lớp học chính trị và in ấn tài liệu tuyên truyền cách mạng... cùng nhiều sự kiện quan trọng khác của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa từ những năm 1931 đến trước cách mạng Tháng 8 - 1945. Hiện nay ngôi nhà cũ không còn, con cháu trong dòng họ đã làm lại trên nền móng cũ ngôi nhà mới làm nơi lưu niệm, tưởng nhớ công lao, những đóng góp của ông, gia đình ông đối với cách mạng. Vì vậy, di tích được gọi là Nhà lưu niệm ông Lê Chủ.
Lê Chủ tên thật là Lê Tiến Nhiệu sinh năm 1901 trong một gia đình phú nông ở thôn Yên Lộ, tổng Phù Chẩn, phủ Thiệu Hoá (nay là xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá). Từ nhỏ, ông đã được gia đình cho đi học chữ Hán, 12 tuổi lên trường Tổng vừa học chữ Hán, vừa học chữ Quốc ngữ, 14 tuổi thì tuyển sinh lên học ở trường huyện; năm 16 tuổi thi đỗ Khóa - Sinh. Năm 18 tuổi do điều kiện hoàn cảnh gia đình ông trở về quê làm ruộng và trở nên một gia đình trung nông khá. Ông Lê Chủ lớn lên trong lúc phong trào yêu nướcvà cách mạng của Nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ đặc biệt trong tầng lớp trí thức, học sinh tiến bộ. Vốn có một trình độ học vấn, ông Lê Chủ đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng tiến bộ ở đầu thế kỷ XX và hăng hái tham gia hội đọc sách báo cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin ở Thanh Hoá do đồng chí Lê Công Thanh làm Tổ trưởng. Năm 1928, ông được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội do đồng chí Vương Mậu Kiến giới thiệu. Lê Chủ đã cùng các đồng chí khác trong tổ chức tích cực tham gia vận động các tổ chức quần chúng thành lập các hội như: hội bóng đá, hội bạn nghèo, hội lợp nhà... thông qua các tổ chức này để tuyến truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin, các báo chí tài liệu như “Đường Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh Niên của Tổng bộ Thanh niên... tạo cơ sở và tổ chức cho Đảng bộ cộng sản Thanh Hoá ra đời sau đó.
Cũng trong thời gian này, tại Thanh Hoá còn có một tổ chức cách mạng là Tân Việt Cách mạng Đảng, đây là một tổ chức yêu nước có nguồn gốc từ Hội phục Việt ra đời trong cao trào ái quốc dân chủ công khai của nhân dân ta. Một số thân sĩ tiến bộ đã đẩy mạnh vận động cách mạng và lập ra Chi bộ Tân Việt đầu tiên của Thanh Hoá tại Ngô Xá Hạ (nay là xã Thiệu Minh). Tuy nhiên, cả hai tổ chức trên ở Thiệu Hoá trong quá trình hoạt động gặp không ít khó khăn, quan điểm nhiều khi thiếu nhất quán. Trước tình hình này, xứ uỷ Bắc Kỳ đã chủ trương hợp nhất hai tổ chức này và mở hội nghị thành lập Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam tại làng Phúc Lộc xã Thiệu Tiến vào đầu tháng 7 năm 1930. Được sự dìu dắt của đồng chí Ngô Ngọc Toản, một trong 4 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Thiệu Hoá, tháng 8 năm 1930, Lê Chủ được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ sau ngày Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hoá ra đời ngày 29/7/1930, thực dân Pháp và tay sai ra sức khủng bố, đánh phá các cơ sở cách mạng. Cuối năm 1930, địch ráo riết lùng sục và bắt 7 trong số 11 Đảng viên của Thiệu Hoá. Số còn lại, trong đó có Lê Chủ vẫn kiên cường bám trụ, tiếp tục củng cố và gây dựng, liên lạc với các cơ sở ởThọ Xuân, tổ chức các hội biến tướng...
Đầu năm 1932, đồng chí Hoàng Vãn Mạch (người làng Ngọc Vực, Yên Định) sau khi thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp đã bắt liên lạc với đồng chí Lê Chủ đang hoạt động ở Yên Lộ. Sau một thời gian chắp nối, tháng 2 năm 1932 các đảng viên trong 7 cơ sở Đảng trong tỉnh mở cuộc hội nghị tại nhà đồng chí Lê Chủ. Hội nghị đã nhận định tình hình cách mạng trong tỉnh, đề ra chủ trương tiếp tục mở rộng cơ sở Nông hội đỏ, các hội biến tướng và xúc tiến liên lạc với cấp trên, củng cố cơ sở Đảng. Tháng 8 năm 1932, đồng chí Lê Chủ cùng các đồng chí Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường... tham gia cuộc họp đại biểu các cơ sở Đảng, tổ chức tại làng Ngọc Vực, bàn biện pháp mở rộng cơ sở Đảng ở các nhà máy, đồn điền... Đầu năm 1934, đồng chí Nguyễn Tạo đã bắt mối được với đồng chí Lê Chủ và tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Lê Chủ, đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Ngày 17 tháng 3 năm 1934, Hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập, tại làng Thuần Hậu, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ, Nguyễn Tạo, Hội nghị nhất trí kết thúc nhiệm vụ lịch sử của Ban liên lạc và cử ra Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 7 ủy viên, đồng chí Lê Chủ được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời. Tỉnh uỷ lâm thời nghị quyết thành lập cơ quan ấn loát tại làng Yên Lộ do đồng chí Nguyễn Tạo phụ trách. Ngày 28 tháng 3 năm 1934, đồng chí Lê Chủ, Nguyễn Tạo tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Yên Lộ do đồng chí Lê Chủ - Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời trực tiếp làm Bí thư. Lúc này, các cơ sở Đảng ở Cựu Thôn, Mao Xá, Ngô Xá Thượng, Ngô Xá Hạ... nhanh chóng được phục hồi. Trước tình hình đó, tháng 3 năm 1934, đồng chí Lê Chủ đã tổ chức hội nghị thành lập chi bộ ghép Ngô Xá Thượng, Ngô Xá Hạ, Cựu Thôn, Mao Xá. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Cách mạng Thiệu Hoá, địch tăng cường đánh phá các cơ sở Đảng. Tháng 6 năm 1934, đồng chí Lê Chủ cùng một số đảng viên khác đã bị bắt. Tháng 6 năm 1935, đồng chí đã thoát khỏi nhà tù đế quốc trở về tiếp tục hoạt động.
Ngày 15 tháng 3 năm 1936, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được triệu tập tại làng Yên Lộ, kiểm điểm tình hình, bàn chủ trương tiếp tục đưa phong trào tiến lên và kiện toàn Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ gồm 5 đồng chí do đồng chí Lê Chủ làm Bí thư và trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Đông Sơn.
Ngày 20 tháng 4 năm 1939, Tỉnh uỷ Thanh Hoá chủ trương thành lập Đảng bộ phủ Thiệu Hoá do đồng chí Lê Chủ trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị được triệu tập tại nhà ông Lục (làng Yên Lộ), bầu ra Ban chấp hành gồm 3 đồng chí, do đồng chí Hoàng Văn Quế làm Bí thư. Cũng năm này, vào ngày 20 tháng 6, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được tổ chức tại làng Yên Lộ và đồng chí Lê Chủ được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Cuối năm 1939, phong trào đòi quyền dân sinh dân chủ của nhân dân Thanh Hoá đã dấy lên mạnh mẽ, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp và đồng chí Lê Chủ bị địch bắt với án tù 5 năm đầy đi Lao Bảo. Tháng 3 năm 1944 đồng chí Lê Chủ hết hạn tù trở về tiếp tục hoạt động, tháng 11 năm 1944, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy làm Phó bí thư, phụ trách phong trào cách mạng ở Yên Định và có trách nhiệm giúp đỡ phong trào cách mạng huyện Thọ Xuân, chuẩn bị cao trào tiền khởi nghĩa và trực tiếp chỉ huy giành chính quyền tại Yên Định tháng 8 năm 1945. Tháng 6 năm 1945, đồng chí Lê Chủ dự Hội nghị chiến khu IV gồm: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa và được bổ sung vào Ban Chấp hành chiến khu do đồng chí Trần Tử Bình làm Bí thư.
Cách mạng tháng Tám - 1945 thành công, đồng chí Lê Chủ được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh Tỉnh và tháng 12 năm 1945, được bầu là Bí thư Tinh uỷ. Đồng chí là Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hoá khoá I, sau đó được Trung ương điều đi công tác với các trọng trách khác: Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi thú y, Vụ Trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông lâm)...
Ngày 05 tháng 3 năm 1980, đồng chí Lê Chủ từ trần, được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Chủ luôn gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương và đất nước, xứng đáng với Huân chương Hồ Chí Minh cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng.
Di tích lịch sử cách mạng, nhà lưu niệm ông Lê Chủ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 4089/QĐ-UBND ngày 09/12/2011 là di tíchcó giá trị trong việc tôn vinh những công lao, cống hiến của ông Lê Chủ và các bậc lão thành cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời cũng có ý nghĩa về đạo lý của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với tiền nhân.
(Trích yếu: Lý lịch di tích LSCM Nhà lưu niệm ông Lê Chủ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, năm 2011)