Làng Mao Xá ở xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa), nay là thôn Toán Tỵ là cái nôi của truyền thống cách mạng tại địa phương. Nơi đây đã ghi dấu ấn những nhà hoạt động cách mạng sôi nổi thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nhắc đến Mao Xá không thể không nhắc đến Di tích lịch sử cơ sở cách mạng của Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và Đảng bộ Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945. Đây cũng là quê hương của đồng chí Lê Công Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam năm 1930 - 1932 và đồng chí Lê Huy Toán, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa (1940 - 1942), cùng nhiều đồng chí lão thành cách mạng khác.

Đồng chí Lê Huy Toán sinh năm 1890 tại làng Mao Xá, tổng Xuân Lai, phủ Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), đồng chí còn có tên bí danh là Bản Bằng). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trọng văn sách, lễ nghĩa nên ngay từ nhỏ đồng chí đã giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào thanh thiếu niên yêu nước ở địa phương. Đồng chí Lê Huy Toán được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930.
Chứng kiến dân tình chịu cảnh khổ cực, cụ quyết tâm nghiên cứu sách thuốc, học nghề chữa bệnh cứu người, đồng thời dạy chữ Hán cho con cháu trong làng.
Cuối tháng 3/1934, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Chủ - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa, đồng chí được làm Bí thư Chi bộ Mao Xá - Cựu thôn. Ngày 20/4/1939, đồng chí Lê Huy Toán được tham gia hội nghị thành lập BCH Đảng bộ Phủ Thiệu Hóa, năm 1939 đồng chí đã hoạt động rất tích cực và cũng cố nhiều cơ sở Đảng ở Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành.
Đồng chí tham gia các phong trào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, làm Bí thư Chi bộ Mao Xá, vận động quần chúng học chữ quốc ngữ; kiến nghị lên Viện dân biểu Trung Kỳ bãi bỏ dự án tăng thuế thân, thuế điều thổ; phong trào cải lương hương chính đưa người của cách mạng ứng cử vào các chức sắc của hội đồng ngũ hương làm tổng…
Trong thời kỳ phản đế cứu quốc (1940-1941), với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Lê Huy Toán là một trong những cán bộ chủ chốt có nhiều đóng góp quan trọng đến việc xây dựng củng cố tổ chức, củng cố phong trào ở huyện và trong tỉnh.
Cuối tháng 9 - 1941, sau khi chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, đồng chí Lê Huy Toán đã bị bắt và hy sinh tại nhà lao Thanh Hóa, cuộc đời cách mạng của đồng chí làm tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Ngày 23 tháng 4 năm 1957, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã truy tặng liệt sĩ và cấp bằng “Tổ quốc ghi công”, trong bằng ghi rõ: “Liệt sĩ Lê Huy Toán, Bí thư tỉnh ủy đã hy sinh vì Tổ quốc do đấu tranh với địch tại Thanh Hóa”.Ngày 25 tháng 1 năm 1965, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng bằng kỷ niệm chương “có công với nước” cho gia đình bà Đinh Thị Điển (tức vợ ông Lê Huy Toán).
Đồng chí Lê Huy Toán là một trong những chiến sĩ cộng sản trung kiên, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, mãi mãi là niềm tự hào, kính trọng trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân Thanh Hóa.
Ngôi nhà ở của đồng chí Lê Huy Toán, năm 1994 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di lích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia “Cơ sở cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 1930 - 1945”./.
(Trích yếu: Sách: Những chiến sĩ cách mạng Trung kiên tỉnh Thanh Hóa, Tập 1)