Xã Thiệu Trung nằm liền Quốc lộ 45, có 2km kênh Bắc chảy qua, là cửa ngõ của huyện Thiệu Hóa. Xã có 6 thôn, với diện tích tự nhiên là 389,71 ha, 1.218 hộ, 5.150 nhân khẩu. Thiệu Trung được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt từ ngàn xưa đã để lại những dấu ấn lịch sử với nhà hào phú Lê Lương đánh tan quân Tống và được phong Bộc xạ Tướng công. Vùng đất Khoa bảng quê hương nhà sử học Lê Văn Hưu (người đặt nền móng cho nền Quốc sử Việt Nam.)
Nơi đây có 4 di tích lịch sử Văn hóa được xếp hạng, trong đó có 02 di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia là đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu và Đền thờ Trà Đông - nơi thờ ông Tổ nghề đúc đồng; 02 di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh là Từ đường họ Nguyễn - Nơi thờ Nguyễn Mộng Tuân và Hầm làm việc của Thường trực Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hoá thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1972)
Thiệu Trung là xã đầu tiên của huyện Thiệu Hóa và là 01 trong 03 xã đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được Công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2012. Đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021, Đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, Đạt xã chuyển đổi số năm 2023 và năm 2024 xã đạt các tiêu chí mô hình xã thông minh và có 05/6 thôn đạt các tiêu chí thôn thông minh. Nơi đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương nhờ sự kết hợp hài hòa giữa du lịch tâm linh và trải nghiệm văn hóa làng nghề.
Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu thuộc thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Một địa chỉ văn hoá, lịch sử gắn với tên tuổi Nhà sử học Lê Văn Hưu, một sử gia đầu tiên của nước Đại Việt, vị tiến sĩ khai khoa đầu tiên của xứ Thanh, tác giả bộ “Đại Việt sử ký” - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1990, Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 208/VH-QĐ ngày 13/3/1990. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Thiệu Hóa đang đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chính phủ trình UNESCO công nhận Lê Văn Hưu là danh nhân văn hoá thế giới. Hằng năm, vào ngày mất của ông (23/3 ÂL) xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá tổ chức lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu, nhiều nghi lễ trang trọng cùng các hoạt động văn hóa dân gian như rước kiệu, múa lân, trò chơi dân gian, thu hút đông đảo du khách.
Với lòng kính trọng và lan tỏa gương sáng của tiền nhân, Năm 1993 Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá và Uỷ ban nhân dân huyên Thiệu Hoá đã tiến hành phong lại khu mộ của Lê Văn Hưu (tại khu đất cũ). Đến tháng 3 năm 2005 được khởi công xây dựng, đến tháng 8 năm 2005 công trình khu lăng mộ đã hoàn thành khang trang như ngày hôm nay tương xứng với công lao và sự nghiệp của ông.
Đền thờ Lê Văn Hưu là điểm đến linh thiêng, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đồng thời trở thành địa chỉ để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí, tinh thần vượt khó của ông cha ta và lan toả tinh thần đoàn kết bên nhau thực hiện tốt đạo lý Uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên với lòng thành kính và biết ơn nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam.
Sau khi dâng hương Nhà sử học Lê Văn Hưu tại đền thờ quý khách có thể chiêm bái chùa Hương Nghiêm nằm ngay bên đền được đầu tư, xây dựng khang trang với khuôn viên thoáng, xanh, thanh tịnh. Quý khách thăm quan khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972). Đây là chứng tích lịch sử ghi nhận những sự kiện đã diễn ra trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Thanh Hoá. Là chứng tích còn lại khá ít ỏi của một thời ác liệt vừa làm việc, vừa sẵn sàng chiến đấu của quân và dân xứ Thanh.
Tiếp đến, du khách thăm quan di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia Đền thờ Trà Đông – nơi thờ ông tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không – nơi còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc độc đáo và gắn liền với nghề đúc đồng thủ công nổi tiếng Làng Trà Đông (Chè Đông). Để tưởng nhớ công ơn của người đã dạy nghề và truyền nghề cho người dân trong làng thánh sư không lộ Khổng Minh Không hay còn gọi là Nguyễn Minh Không ( Tên huý là Nguyễn Chí Thành). Đời Tự Đức, các nghệ nhân làng Chè rước chân nhang từ chùa Keo về làng Chè và xây đền thờ ông tổ đúc đồng Khổng Minh Không tại đây.
Phần lớn người dân địa phương gọi là đền, một số người gọi là chùa. Hai cách gọi này đều có lý vì: Gọi là đền vì ngài là thánh, gọi là chùa vì ngài là thiền sư. Tuy nhiên với mục đích của người làng Chè trước đây khi xây nơi thờ ông tổ nghề đúc đồng thì gọi là đền mới hợp lý nhất. Đền thờ được Bộ Văn hóa Công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 208 ngày 13/3/1990.
Kết thúc hành trình quý khách thăm quan và trải nghiệm tại làng nghề đúc đồng thủ công truyền thống Làng Trà Đông (Chè Đông), thưởng thức tinh hoa nghề của những nghệ nhân với bàn tay khéo léo, tài hoa cùng với những bí kíp nghề quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ và trải nghiệm, tham gia vào quá trình sản xuất, vào một số công đoạn chế tác ra các sản phẩm như: Trống đồng, tranh đồng, chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ… để hiểu rõ thêm về văn hóa làng nghề.
Sau di dâng hương tại các điểm di tích, du khách đến với làng nghề đúc đồng Trà Đông nổi tiếng với nghìn năm lịch sử, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là nơi lưu giữ và phát triển tinh hoa nghề đúc đồng, với những sản phẩm thủ công tinh xảo như tượng đồng, chuông đồng, lư hương và các sản phẩm thờ cúng./.