Chuyển đổi số trong giáo dục mầm non là một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại trường mầm non. Giúp cho trẻ em được tiếp cận với những phương pháp học tập hiện đại và phát triển tốt hơn về các kỹ năng số, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tài nguyên trên Internet. Việc ứng dụng công nghệ số trong giáo dục mầm non sẽ mang đến nhiều lợi ích cho trẻ, giáo viên, phụ huynh và nhà trường.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trong thời gian qua, Trường mầm non Thiệu Long đã chủ động tổ chức bồi dưỡng phát triển năng lực số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho 100% đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đáp ứng yêu cầu của công nghệ 4.0 trong chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện các kỹ năng của giáo viên và nhân viên trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cụ thể là ứng dụng vào một số hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ và hoạt động quản lý tại nhà trường, bước đầu mang lại hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực từ trẻ em và phụ huynh. Chuyển đổi số trong nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm trong giáo dục như: Phần mềm VNEdu, SMAS, Cơ sở dữ liệu ngành http://csdl.moet.gov.vn ; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ giáo dục http://taphuan.csdl.edu.vn, đánh giá công chức: ETEP, TEMIS; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, quản lý tài sản, hỗ trợ kê khai thuế; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm TKB, phần mềm Ioffice để quản lý công văn đi, đến, …; Sử dụng Zalo, Facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh…
Bên cạnh việc tăng cường đầu tư và khai thác hiệu quả tính năng của thiết bị công nghệ số như: máy tính, tivi, một số phần mềm như: phần mềm tính khẩu phần ăn, phần mềm hội họp trực tuyến như: zoom, google drive và một số phần mềm khác, nhà trường đã linh hoạt ứng dụng hiệu quả tính năng ZALO, FACEBOOK để thu thập thông tin, chia sẻ và tổng hợp thông tin trực tuyến từ cán bộ giáo viên, nhân viên đối với việc tổng hợp số học sinh đi học, đăng ký ăn hằng ngày …, đặc biệt thông qua ứng dụng đó giáo viên có thể chia sẻ những hoạt động hằng ngày của trẻ lên nhóm lớp mình phụ trách gửi đến phụ huynh, từ đó tăng cường sự phối kết hợp giữa phụ huynh và giáo viên, phụ huynh với nhà trường để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Trong hoạt động chuyên môn, nhà trường hướng dẫn giáo viên sử dụng chat GPT như một công cụ hỗ trợ để khai thác và nâng cao năng lực chuyên môn, mở rộng kiến thức, hỗ trợ trong việc soạn thảo tin nhắn, Email… triển khai đến cha mẹ trẻ và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường các thông tin cần phối hợp, điều hành một cách nhanh chóng, tiện lợi; xây dựng kho tư liệu gồm các đường link những bài thơ, câu chuyện trong chương trình (Phân theo các độ tuổi) để phụ huynh có thể theo dõi, đồng hành cùng giáo viên trong việc giáo dục trẻ, đồng thời tạo mã QR truy cập vào trang thông tin điện tử của nhà trường tại bảng tuyên truyền của các khu và nhóm lớp để hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc và giáo dục con tại nhà.
Với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trường bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực, những bài học với những hình ảnh đẹp mắt, hiệu ứng sinh động, kết hợp âm thanh sống động đã thực sự kích thích trẻ hứng thú tham gia vào họat động khám phá những bài học trên máy tính mang lại hiệu quả cao./.